Categories Doanh nghiệp

Đà Nẵng: Nhiều lĩnh vực thiếu hụt nhân lực

Thành phố Đà Nẵng hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục số lượng, chất lượng nguồn nhân lực sẵn sàng phục vụ khách du lịch.

Thiếu nhân lực lĩnh vực phát triển

Thời gian qua, ngành công nghệ thông tin (CNTT) với tốc độ tăng trưởng cao đã trở thành một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng. Trong giai đoạn 2015 – 2020, tốc độ tăng trưởng doanh thu CNTT đạt 20%/năm. Đặc biệt, dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 nhưng lĩnh vực này vẫn duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng, đóng góp vào sự phục hồi và phát triển của kinh tế – xã hội thành phố. Năm 2021, ngành CNTT tăng trưởng 10,47% và đóng góp 8,23% GRDP thành phố. Năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành CNTT là hơn 34 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6%; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 110 triệu USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021. Trên địa bàn thành phố ước tính có khoảng 44.000 nhân lực CNTT, trong đó phần lớn tập trung trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số.

Tương tự, với nhiều nỗ lực và các chương trình kích cầu, du lịch Đà Nẵng đã có sự phục hồi đáng kể trong thời gian qua. Tuy nhiên, nếu không kịp thời bổ sung, đào tạo thì sẽ thiếu hụt nhân lực trầm trọng. Theo dự báo, mỗi năm ngành du lịch thành phố sẽ cần thêm khoảng 5.500 lao động. Ước tính 65% trong số đó có yêu cầu về chuyên môn du lịch (các vị trí lễ tân, buồng phòng, điều hành tour, bếp…). Trong khi đó, số lượng sinh viên ra trường các ngành du lịch trên địa bàn thành phố trong 3 năm gần đây trung bình khoảng 3.600 sinh viên, vừa đủ cung cấp cho thị trường lao động.

da nang nhieu linh luc thieu hut nhan luc
Giai đoạn 2022-2025 thành phố cần bổ sung tối thiểu 7.500 nhân lực/năm.

Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, khi triển khai Đề án phát triển kinh tế đêm, thành phố Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn và có sự thiếu hụt không nhỏ về nguồn nhân lực phục vụ, đặc biệt là lực lượng lao động đòi hỏi phải có kỹ năng công việc đặc thù như bartender, dealer, biểu diễn nghệ thuật…

Ngoài ra, do nhu cầu ngày càng tăng về marketing online của các doanh nghiệp trên các trang web hoặc các đại lý du lịch trực tuyến (OTA), nên các nhân lực chuyên ngành tiếng Hàn, tiếng Thái du lịch, marketting… được dự báo sẽ rất “hot”. Nhưng hiện tại công tác đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên, nhân viên còn rất hạn chế.

Giải bài toán nguồn nhân lực

Mới đây, trong buổi tọa đàm về “Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại thành phố Đà Nẵng”, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND chia sẻ: Trong bối cảnh đang chú trọng thu hút đầu tư lĩnh vực CNTT, thành phố hiện thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Và nhiệm vụ đặt ra là làm thế nào để giải quyết quan hệ cung-cầu về nhân lực này giữa cơ sở giáo dục đào tạo và thị trường, đảm bảo sự đồng bộ giữa chất lượng và số lượng. UBND thành phố Đà Nẵng cam kết tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà đầu tư, các hiệp hội và cơ sở đào tạo, xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thông thoáng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực CNTT.

da nang nhieu linh luc thieu hut nhan luc
Dự báo đến năm 2025, Đà Nẵng sẽ đón hơn 8 triệu lượt khách, nguồn nhân lực cần có là 75.000 lao động.

Theo ông Vy Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng, hiện nay thành phố có 1.900 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT và theo khảo sát của iViettech trên diễn đàn Việc làm CNTT Đà Nẵng năm 2022, có gần 400 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng. Vì vậy, thành phố cần tiếp tục tạo điều kiện, chính sách để các trường mở rộng quy mô đào tạo, thu hút sinh viên theo học, sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Về phần mình, các trường đại học cần thay đổi nhanh chóng chương trình đào tạo cho phù hợp với yêu cầu. Về phía doanh nghiệp, nên đầu tư phát triển nguồn nhân lực theo hướng chuyên sâu thay vì chỉ đầu tư theo chiều ngang, từ đó từng bước nâng cao chất lượng, năng suất lao động.

PGS, TS. Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng kiến nghị, sớm có chính sách, cơ chế để doanh nghiệp có trách nhiệm đồng hành cùng nhà trường, xã hội trong nhiệm vụ đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực. Các trường đại học vùng và đại học trọng điểm cần phải được ưu tiên đầu tư, trở thành nòng cốt đào tạo nguồn nhân lực CNTT cho các ngành mũi nhọn. Các chính sách, cơ chế phải được xây dựng để thúc đẩy, gắn kết hợp tác nhà trường-doanh nghiệp CNTT một cách đồng bộ, tạo hành lang pháp lý, chính sách ưu đãi, khuyến khích các trường và doanh nghiệp tăng cường gắn kết, hợp tác. Cần có quy định chuẩn giảng viên ngành CNTT phù hợp với thực tế để huy động lực lượng cán bộ doanh nghiệp CNTT có trình độ cao, có kinh nghiệm thực tiễn tham gia giảng dạy đại học. Hiện nay tại Việt Nam, do rào cản về tiêu chuẩn giảng viên nên các trường không huy động được nguồn lực từ doanh nghiệp, nếu kéo dài sẽ khó phát triển được mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp CNTT.

Ở lĩnh vực du lịch, căn cứ kết quả 2 cuộc khảo sát trực tuyến tại hơn 5.000 doanh nghiệp và người lao động ngành du lịch trên địa bàn thành phố, ngành đã tổ chức đào tạo tập trung vào các nhóm: nghiệp vụ lễ tân, buồng phòng, nhà hàng, bếp, hướng dẫn viên; đào tạo sales-marketing trực tiếp, và trực tuyến quản lý khách sạn. Bên cạnh việc tuyển bổ sung đào tạo và đào tạo lại nhân viên, các doanh nghiệp du lịch đã linh động phối hợp chặt chẽ với các cơ sở đào tạo nghề du lịch, tăng cường thực hành, thực nghiệm để kịp thời bổ sung nguồn nhân lực cho thị trường.

Trong thời gian tới, ngành du lịch thành phố sẽ triển khai chuyển đổi số trong công tác quản lý, đào tạo nguồn nhân lực; số hóa các chương trình đào tạo căn bản về nghiệp vụ du lịch để người lao động chủ động tham gia; đẩy mạnh liên kết, phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch và cơ sở đào tạo nghề du lịch trong việc chuẩn bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời, thành phố cũng hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục số lượng, chất lượng nguồn nhân lực sẵn sàng phục vụ khách du lịch.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong phục hồi du lịch, tuy nhiên tổng nhân lực trong ngành du lịch Đà Nẵng mới phục hồi được hơn một nửa. Dự báo đến năm 2025, thành phố sẽ đón hơn 8 triệu lượt khách, nguồn nhân lực cần có là 75.000 lao động. Đây thật sự là một thách thức với ngành du lịch Đà Nẵng. Hiện, bên cạnh việc củng cố nguồn nhân lực tại chỗ, hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo, tuyển dụng nhân lực, ngành du lịch cũng định hướng nguồn nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước nhằm đảm bảo thương hiệu cũng như chất lượng dịch vụ của điểm đến Đà Nẵng.

Theo Nguyên Đỗ/Thời báo Ngân hàng