Một số chuyên gia nhận định, bức tranh xuất khẩu thủy sản sẽ không thể “bừng sáng” trở lại ngay trong những tháng đầu năm khi mà nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. Tuy nhiên, sẽ có các điều chỉnh về nhu cầu theo phân khúc sản phẩm.
Theo ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng), trong năm qua, thị trường xuất khẩu có những khó khăn nhất định bởi tác động của suy giảm kinh tế trên thế giới làm giảm sức tiêu thụ, khiến lượng hàng tồn kho tăng lên. Bước qua năm 2023, tình hình vẫn chưa mấy lạc quan, khi các thị trường lớn vẫn còn hết sức yên ắng… Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Trong bối cảnh đó, Sao Ta vẫn có đơn hàng, tuy không nhiều, song đó là điểm sáng trong ngành.
“Để gia tăng thị phần, tìm kiếm đơn hàng ở những thị trường mới, ngay từ năm 2021, Sao Ta tiến hành chinh phục người tiêu dùng Nhật Bản bằng giá bán khá “mềm”. Công ty đánh giá thị trường có thể còn khó khăn kéo dài, nên giải pháp trước mắt là cần nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho bằng giá bán hợp lý, hạn chế kẹt vốn, kẹt kho. Đồng thời, luôn nắm bắt thông tin về tình hình cung ứng trong ngoài nước, xu thế, nhu cầu của người tiêu thụ để tính toán trong việc tiêu thụ và trữ hàng hiệu quả…” – ông Lực chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho biết, do tình hình kinh tế thế giới có những biến động tiêu cực, nên nhiều doanh nghiệp phải tìm cách “lách” thị trường để tiêu thụ. Hiện nay, không ít doanh nghiệp Việt đã chuyển hướng sang thị trường cao cấp, chế biến sâu thay vì xuất khẩu sản phẩm sơ chế thông thường.
Tốc độ tăng trưởng ngành tôm của Việt Nam ở mức khoảng 8% năm, cao hơn mức trung bình thế giới. Hiện Việt Nam đang duy trì vị thế hàng đầu ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Australia. Bên cạnh đó, ngành cũng đang nâng cao thị phần ở EU (đang thứ hai về xuất khẩu tôm), thị phần tại Mỹ khoảng 10% và từng bước nâng cao sản lượng để cạnh tranh với các đối thủ. Còn đối với thị trường Trung Quốc, Việt Nam cũng đang nỗ lực gia tăng thị phần.
Ngoài tôm, cá tra cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy, lượng xuất khẩu cá tra có xu hướng giảm dần trong nửa cuối năm, xuống mức thấp nhất trong quý IV/2022 do nhu cầu giảm tại các thị trường.
Trước tình hình đó, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã chuyển hướng sang thị trường các nước Asean, do có lợi thế về địa lý, ít rủi ro và ảnh hưởng bởi logistics; lại có lợi thế về thuế quan ưu đãi nhờ các hiệp định FTA khu vực và song phương với Việt Nam. Top 4 thị trường trong khối ASEAN nhập khẩu nhiều nhất cá tra Việt Nam gồm Thái Lan, Singapore, Malaysia và Phillippin, đều tăng từ 50 – 93% tổng kim ngạch trong năm qua.
Số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho thấy, tháng 1/2023, xuất khẩu thủy sản vẫn tiếp đà giảm sâu theo xu hướng của quý cuối năm trước, ước giảm 31%, đạt khoảng 600 triệu USD. Trong đó, cá tra giảm 50%, tôm giảm 46%, cá ngừ giảm 32%. Xuất khẩu sang các thị trường chính đều giảm mạnh, trong đó Mỹ giảm 56%, Trung Quốc giảm 55%, EU giảm 35%… Dự báo, những thị trường này nếu có sự chuyển biến ít nhất từ quý II/2023.
Một số chuyên gia nhận định, bức tranh xuất khẩu thủy sản sẽ không thể “bừng sáng” trở lại ngay trong những tháng đầu năm khi mà nền kinh tế thế giới được dự báo có thể sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. Tuy nhiên, sẽ có các điều chỉnh về nhu cầu theo phân khúc sản phẩm. Theo đó, lợi thế sẽ nghiêng về các ngành hàng có giá vừa phải, phù hợp với tầng lớp người tiêu dùng thu nhập thấp hoặc trung bình, vốn là nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi lạm phát.
“Trong bối cảnh đó, quan trọng là doanh nghiệp thủy sản cần đảm bảo sức khỏe tài chính để duy trì sản xuất ổn định, sẵn sàng nguồn nguyên liệu khi thị trường tiêu thụ hồi phục. Hơn nữa, doanh nghiệp có thể tận dụng lợi thế của từng ngành hàng thông qua việc nắm bắt thông tin thị trường và dự báo. Hiện nay, môi trường kinh doanh cũng đang dần được cải thiện theo hướng hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu nhiều hơn” – các chuyên gia khuyến cáo.
Theo Phương Nam/Thời báo Ngân hàng