Giá nhập khẩu hạt tiêu tăng tại Mỹ

Tính chung 9 tháng năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam giảm 18% về lượng nhưng tăng 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Giá nhập khẩu hạt tiêu tăng tại Mỹ - Ảnh 1.
Tính chung 9 tháng năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam giảm 18% về lượng, nhưng tăng 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021 – Ảnh minh họa

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 9/2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam giảm tháng thứ 3 liên tiếp, đạt 13.860 tấn, trị giá 56,83 triệu USD. Tính chung 9 tháng năm 2022, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 174.530 tấn, trị giá 770,44 triệu USD, giảm 18% về lượng, nhưng tăng 7,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 9/2022 so với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chủ lực giảm, ngoại trừ Mỹ và Nga.

Bộ Công Thương cho biết, ngày 8/10, giá hạt tiêu đen tại thị trường nội địa giảm từ 2.500-3.000 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát) so với ngày 30/9, xuống mức thấp nhất 60.500 đồng/kg tại tỉnh Gia Lai và mức cao nhất 63.500 đồng/kg tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; các khu vực khảo sát khác quanh mức 62.000-62.500 đồng/kg.

Giá hạt tiêu trắng ở mức 109.000 đồng/kg, giảm 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 9 và thấp hơn so với mức 120.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2021.

Tại Việt Nam, giá hạt tiêu đen xuất khẩu loại 500g/l và 550g/l ở mức 3.250 USD/tấn và 3.350 USD/tấn, hạt tiêu trắng ở mức 4.850 USD/tấn. Dự báo giá hạt tiêu thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm do nhu cầu giảm ở nhiều quốc gia, đặc biệt là nhu cầu từ Trung Quốc. Đồng USD neo cao đang kìm hãm xuất khẩu các nước. Lượng hạt tiêu tồn kho ở Việt Nam ước đạt 80.000-100.000 tấn, khối lượng tương đối cao trong bối cảnh xuất khẩu giảm.

Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ, nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong 8 tháng năm 2022 đạt 62.320 tấn, trị giá 307,59 triệu USD, giảm 4,4% về lượng, nhưng tăng 31,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Mỹ giảm nhập khẩu hạt tiêu từ hầu hết các nguồn cung chủ yếu, ngoại trừ Việt Nam và Trung Quốc.

Trong 8 tháng năm 2022, Mỹ nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam đạt xấp xỉ 45.500 tấn, trị giá 222,23 triệu USD, tăng 3,9% về lượng và tăng 45,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hoa Kỳ chiếm 73% trong 8 tháng năm 2022, cao hơn so với mức 67,17% trong 8 tháng năm 2021.

Lưu ý xuất khẩu hạt tiêu sang Trung Quốc

Bộ Công Thương đánh giá, hiện thương lái Trung Quốc và các nhà xuất khẩu hạt tiêu lớn ở Việt Nam đang trong trạng thái chờ đợi. Thời điểm hiện tại, giá hạt tiêu của Việt Nam đang “trông” vào thị trường Trung Quốc, khi mà các nhà nhập khẩu châu Âu và Mỹ đã ký hợp đồng đến cuối năm nay. Giá hạt tiêu trong nước giảm mạnh, xuống gần ngưỡng 60.000 đồng/kg, trong bối cảnh xuất khẩu giảm và thị trường đang có dấu hiệu xả hàng nhằm thu hồi vốn phục vụ sản xuất vụ mùa mới.

Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong tháng 8/2022 đạt 2,65 triệu USD, giảm 34,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hạt tiêu của Trung Quốc đạt xấp xỉ 30,12 triệu USD giảm 20,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Cơ cấu nguồn cung 8 tháng năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu hạt tiêu từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó nhập khẩu chủ yếu từ các thị trường như: Indonesia, Việt Nam, Brazil, Italy, Malaysia, Ấn Độ.

Tháng 8 vừa qua, Việt Nam trở thành nguồn cung hạt tiêu lớn nhất cho Trung Quốc, kim ngạch đạt xấp xỉ 1,15 triệu USD, giảm 31,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm nay, Trung Quốc nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam đạt 9,47 triệu USD, giảm 10,7% so với cùng kỳ. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ 28,15% trong 8 tháng năm 2021 lên 31,46% trong 8 tháng năm 2022.

Theo Đỗ Hương/baochinhphu.vn