TP.HCM: Nâng cao chất lượng bình ổn giá ở chợ truyền thống

Được triển khai liên tục từ năm 2002 đến nay, chương trình Bình ổn thị trường đã trở thành thương hiệu riêng của TP.HCM, quy tụ nhiều doanh nghiệp chủ lực tham gia, tạo sức lan tỏa lớn, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.

Hiệu quả của chương trình đã được Chính phủ và Bộ Công thương ghi nhận và đánh giá cao, chỉ đạo nhân rộng mô hình trong cả nước. Từ bài học kinh nghiệm của TP.HCM, đến nay đã có 48 tỉnh, thành phố triển khai thực hiện chương trình.

tphcm nang cao chat luong binh on gia o cho truyen thong
Ảnh minh họa

Chương trình Bình ổn thị trường đã tạo nguồn cung ứng hàng hóa ổn định, chủ động, chất lượng, đủ để chi phối thị trường. Hàng năm, TP.HCM thông báo rộng rãi, tích cực vận động, mời gọi doanh nghiệp tham gia chương trình thông qua 3 hình thức: cung ứng hàng hóa, phân phối hàng hóa và hỗ trợ tín dụng thực hiện chương trình với nhiều quyền lợi thiết thực, cụ thể.

Song song đó, TP.HCM tổ chức nhiều chương trình, đề án bổ sung để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, phát triển. Trong đó, cơ bản là Chương trình kích cầu đầu tư, Chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị… Qua đó, doanh nghiệp được xét duyệt tham gia chương trình khi đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; dự án đầu tư cơ sở giết mổ; sản xuất giống gia súc, gia cầm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm, không gây ô nhiễm môi trường sẽ được hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn ngân hàng trong vòng 7 năm để triển khai dự án…

Góp ý cho chương trình bình ổn giá thêm sâu rộng đến với các đơn vị, ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho rằng, chương trình cần công bố, truyền thông rộng rãi hơn về quyền lợi của doanh nghiệp tham gia để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia. Bên cạnh đó, cần quan tâm phát triển mạng lưới bình ổn thị trường ở kênh chợ truyền thống; thể chế hóa quyền lợi và trách nhiệm của các bên để vận hành hiệu quả hơn.

Cũng vậy, đại diện Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) cũng kiến nghị thành phố quán triệt, quy hoạch lại để mở rộng mạng lưới bình ổn tại các chợ truyền thống, sao cho mỗi điểm bán là một điểm bình ổn thị trường.

Ở góc độ khác, ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing MM Mega Market đề xuất cần nâng tầm chương trình cho phù hợp thực tế, đẩy mạnh trưng bày, quảng bá để làm nổi bật nhận diện thương hiệu chương trình tại các điểm bán.

Tiếp thu ý kiến các đơn vị, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tập trung sửa chữa, nâng cấp mạng lưới chợ; duy tu, bảo tồn những chợ có giá trị lịch sử, văn hóa như chợ Bến Thành, Bình Tây, Bà Chiểu, An Đông…; khuyến khích phát triển các loại hình phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi tại các khu vực đầu mối kết nối các tuyến giao thông, khu vực nhà ga tàu điện ngầm (metro); khuyến khích phát triển các hình thức mua sắm hiện đại, thông minh kết hợp giữa thương mại điện tử với các loại hình phân phối truyền thống để đưa được hàng bình ổn tới tay người dân ở các khu vực vùng sâu, vùng xa.

“Bên cạnh đó, trong thời gian tới, TP.HCM sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa. Đặc biệt, TP.HCM sẽ chủ động nguồn cung, điều tiết cung – cầu, dự báo chính xác thị trường, khuyến nghị sản xuất theo thị trường; hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế; phát huy nguồn lực xã hội, mọi thành phần kinh tế đều có cơ hội như nhau trong tiếp cận chính sách phát triển sản xuất, thực hiện bình ổn thị trường. Gia tăng hiệu quả lưu thông hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối, giảm chi phí trung gian. Quản lý thị trường hiệu quả, đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các nhà sản xuất… để có thêm nhiều mặt hàng bình ổn với giá cả hợp lý và chất lượng được đảm bảo”, ông Phương cho biết.

Theo Lâm Ngọc/Thời báo Ngân hàng