Các quy định liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hiện nay còn khá rắc rối, nhiều vấn đề liên quan cùng lúc đến nhiều bộ, ngành.
Bà Trần Thị Lan Hương, Giám đốc tài chính Công ty Điều Intersnack Việt Nam cho biết công ty thường xuyên nhập khẩu nguyên liệu là hạt điều thô từ một số nước như Indonesia, Campuchia, Bờ Biển Ngà, Senegal, Ghana và Tanzania về Việt Nam để sản xuất hạt điều nhân xuất khẩu. Quy trình nhập khẩu được thực hiện theo các bước cơ bản là nhập khẩu hạt điều thô theo hình thức E31 (nhập nguyên liệu sản xuất xuất khẩu). Sau khi hạt điều thô nhập khẩu và lưu trữ sẽ được đưa vào dây chuyền sản xuất hạt điều nhân tại các nhà máy chế biến, đóng gói xuất khẩu.
Các sản phẩm hạt điều nhân thành phẩm đạt chuẩn để xuất khẩu đều được công ty đóng gói với nhãn “Product of Vietnam” và ghi nhận xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay công ty đang gặp khó khăn trong quá trình thực hiện thủ tục xuất khẩu hạt điều nhân thành phẩm khi một số chi cục hải quan không đồng ý với cách ghi nhận nhãn hàng hóa và xuất xứ hàng hóa như vậy. Trong đó, có chi cục hải quan đã hướng dẫn công ty ghi nhận là “Packing in Vietnam” thay vì “Product of Vietnam” như hiện tại.
“Theo thực tế của hoạt động sản xuất và xuất khẩu, công ty nhận thấy để được coi là hàng hóa có xuất xứ tại Việt Nam, trước tiên phải đáp ứng điều kiện để không phải là được chế biến, gia công giản đơn tại Việt Nam. Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 31/2018/NĐ-CP, các công đoạn gia công, chế biến khi được thực hiện riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau được xem là đơn giản và không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa. Như vậy, quy trình sản xuất hạt điều nhân của công ty là quy trình sản xuất nguyên liệu từ hạt điều thô thành phẩm hạt điều nhân và không thuộc trường hợp chế biến đơn giản”, bà Hương khẳng định.
Bàn về vấn đề này, đại diện pháp lý Công ty Luật Global Vietnam Lawyers cho rằng, theo quy định về xuất xứ tại Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 111/2021/NĐ-CP, công ty là tổ chức xuất khẩu hàng hóa có trách nhiệm tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình theo quy định của pháp luật. Xuất xứ của hàng hóa ghi trên nhãn được thể hiện bằng một trong các cụm từ sau “Sản xuất tại”; “Chế tạo tại”; “Nước sản xuất”; “Xuất xứ”; “Sản xuất bởi”; “Sản phẩm của…” kèm tên nước và vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.
Doanh nghiệp xuất khẩu không xác định được xuất xứ hàng hóa theo quy định nêu trên thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như “lắp ráp tại”, “đóng chai tại”, “phối trộn tại”, “hoàn tất tại”, “dán nhãn tại”, “đóng gói tại” kèm theo tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
Trong trường hợp này, ngoại trừ việc nguyên liệu được nhập khẩu từ nước ngoài thì toàn bộ các công đoạn sản xuất hạt điều nhân đều được thực hiện tại Việt Nam mà không phải chỉ công đoạn sản xuất cuối cùng và sản phẩm cuối cùng (thành phẩm) trong quy trình sản xuất là hạt điều nhân mà không phải là hạt điều thô. Do đó, việc Công ty Điều Intersnack Việt Nam đã lựa chọn cụm từ “Product of Vietnam” (Sản phẩm của Việt Nam) để ghi trên nhãn hàng hóa và nhận thấy việc ghi nhãn “Packing in Vietnam” (Đóng gói tại Việt Nam) là không phù hợp.
Câu chuyện của Công ty Điều Intersnack Việt Nam cũng là vấn đề mà không ít doanh nghiệp xuất khẩu điều tại TP.HCM gặp phải trong thời gian qua. Về điều này, đại diện Cục Hải quan TP.HCM cho biết, theo quy tắc xuất xứ hàng hóa không ưu đãi của pháp luật Việt Nam hiện hành, hàng hóa xuất khẩu, hàng hóa nhập khẩu được coi là có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại một nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nếu đáp ứng tiêu chí xuất xứ thuộc Danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 05/2018/TT-BCT để hướng dẫn Điều 8 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP. Các tiêu chí xuất xứ hàng hóa không ưu đãi tại Phụ lục I được xác định rất rõ ràng thông qua các tiêu chí về chuyển đổi mã hàng hóa, tỷ lệ phần trăm giá trị.
Còn về xác định xuất xứ hàng hóa ưu đãi đối với trường hợp công ty xuất khẩu hạt điều nhân sang Campuchia và Châu Âu, công ty có thể tham khảo các Hiệp định như Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) và Nghị định 111/2020/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu giai đoạn 2020 – 2022, xác định xuất xứ hàng hóa được thực hiện cho từng lô hàng xuất khẩu.
Riêng đối với vấn đề ghi nhãn hàng hóa, sau khi doanh nghiệp xác định được xuất xứ hàng hóa theo các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, công ty thực hiện ghi nhãn hàng hóa theo Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung đối với từng trường hợp cụ thể.
Trước những khó khăn mà doanh nghiệp xuất nhập khẩu nêu lên, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, các quy định liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp hiện nay còn khá rắc rối, nhiều vấn đề liên quan cùng lúc đến nhiều bộ ngành. Vì vậy, thông qua hội nghị đối thoại trực tiếp, Cục Hải quan thành phố đã cập nhật, hướng dẫn những nội dung, chính sách mới đến các doanh nghiệp; đồng thời lắng nghe các ý kiến, đề xuất giải pháp từ phía doanh nghiệp tới các cấp, bộ ngành quản lý để tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp và góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của TP.HCM và cả nước.
Theo Thanh Tuyết/Thời báo Ngân hàng