Áp lực về thực hiện truy xuất nguồn gốc

Thách thức trong việc tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) được các doanh nghiệp chỉ ra là do những bất cập trong khâu thực thi chính sách của cơ quan Nhà nước, các quy tắc xuất xứ quá khó đáp ứng, doanh nghiệp thiếu thông tin về các cam kết và cách thực hiện…

Theo ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), doanh nghiệp dệt may đang chịu sức ép lớn về quy định truy xuất nguồn gốc nguyên phụ liệu ở nhiều khâu trong chuỗi cung ứng ngành, nhất là khi doanh nghiệp muốn tận dụng ưu đãi khi xuất khẩu sang những thị trường Việt Nam có ký kết và tham gia FTA phải sử dụng nguyên phụ liệu đảm bảo yêu cầu của nước sở tại. Hơn nữa sắp tới đây, nhiều FTA thế hệ mới cũng đều có cam kết về bảo vệ môi trường và phát thải thấp…

ap luc ve thuc hien truy xuat nguon goc
Ảnh minh họa.

Xác nhận điều này, bà Vũ Kim Thanh, đại diện Công ty Fashion Garments 2 (tỉnh Đồng Nai) thừa nhận rằng doanh nghiệp đang gặp khó trong hoạt động truy xuất nguồn gốc khi các thông tin về mặt hàng vải còn chưa rõ ràng, thông tin về nguyên phụ liệu từ doanh nghiệp cung cấp còn chưa đầy đủ. Mặt khác, chi phí thực hiện truy xuất nguồn gốc nguyên liệu còn khá cao, dẫn đến giá thành sản phẩm đầu ra tăng, làm giảm sức cạnh tranh. Các thủ tục truy xuất cũng chiếm nhiều thời gian của doanh nghiệp Việt và khách hàng.

Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ tận dụng ưu đãi thành công của các doanh nghiệp Việt Nam trong một số FTA đang có xu hướng chững lại và giảm xuống.

Thách thức trong việc tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) được các doanh nghiệp chỉ ra là do những bất cập trong khâu thực thi chính sách của cơ quan Nhà nước, các quy tắc xuất xứ quá khó đáp ứng, doanh nghiệp thiếu thông tin về các cam kết và cách thực hiện… Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng thừa nhận năng lực cạnh tranh của bản thân còn yếu so với đối tác trong các FTA.

Hiện, ngành dệt may chỉ mới tận dụng khá tốt các ưu đãi với thị trường Hàn Quốc, còn lại với nhiều đối tác khác, tỷ lệ tận dụng ưu đãi thành công rất thấp.

Nguyên nhân là do các FTA khác nhau có yêu cầu về quy tắc xuất xứ khác nhau, nhiều FTA yêu cầu xuất xứ từ sợi trở đi. Riêng với thị trường ASEAN, không chỉ ngành dệt may mà nhiều mặt hàng khác, Việt Nam cũng rất khó để đẩy mạnh xuất khẩu dù có tận dụng ưu đãi hay không. Điều này cũng dễ hiểu vì cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của các nước trong khu vực khá tương đồng với nhau, trong khi các quốc gia còn lại có năng lực sản xuất tốt và cũng đang đẩy mạnh xuất khẩu.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô – Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc doanh nghiệp Việt Nam chưa tận dụng được ưu đãi từ các FTA, đặc biệt là với thị trường ASEAN. Trước tiên là do các thông tin liên quan tới chính sách, các nội dung cam kết cụ thể của các bên và cơ hội từ các thị trường này còn ít và chưa được truyền tải kịp thời tới cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra, thuế suất ưu đãi trong khối Asean không có sự chênh lệch nhiều, trong khi các quy định, thủ tục để được hưởng ưu đãi khá phức tạp khiến doanh nghiệp không mặn mà.

“Tuy nhiên, mấu chốt của vấn đề lại nằm ở chỗ tư duy gắn kết chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt chưa cao”, ông Dương nói.

Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp nước ngoài khi nhập hàng từ Việt Nam, dù có áp dụng thuế suất ưu đãi hay không cũng đều yêu cầu doanh nghiệp Việt cung cấp giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ. Lý do là để khi tái xuất hàng hóa sang thị trường thứ ba, họ có thể cộng gộp nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam để được hưởng thuế suất ưu đãi.

Ngược lại, mặc dù nhập khẩu rất nhiều nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu nhưng doanh nghiệp Việt Nam lại chưa ý thức, quan tâm đúng mức tới vấn đề này. Vì vậy, với các FTA yêu cầu chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, doanh nghiệp Việt rất khó chứng minh được nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu để đủ điều kiện hưởng ưu đãi.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, với việc tham gia các FTA, cơ hội đang mở ra rất lớn cho ngành dệt may Việt Nam. Trong đó, các FTA thế hệ mới, đặc biệt là CPTPP, EVFTA đặt ra yêu cầu về quy tắc xuất xứ, sợi và vải phải sản xuất tại Việt Nam, sử dụng tại Việt Nam hoặc ở các nước trong khối FTA thì mới được chứng nhận quy tắc xuất xứ và được hưởng thuế ưu đãi.

Đây là khó khăn, nhưng cũng chính là cơ hội cho ngành dệt may phát triển bền vững và hình thành nên chuỗi giá trị trong nước. Vì vậy, ngành cần thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án đầu tư công nghệ dệt nhuộm tiên tiến, không gây tác động xấu đến môi trường, kết nối với các doanh nghiệp may mặc trong nước, hình thành chuỗi liên kết trên toàn chuỗi giá trị, giải pháp về khoa học – công nghệ nhằm xanh hóa ngành dệt may… nhằm hướng tới phát triển bền vững, đồng thời đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn trên thế giới.

Theo Nhật Minh/Thời báo Ngân hàng