TP.HCM ngăn chặn việc tăng giá bất hợp lý

Trước tình hình giá cả diễn biến phức tạp, TP.HCM đã triển khai nhiều giải pháp quản lý điều hành giá các tháng cuối năm 2022 để ngăn ngừa việc tăng giá bất hợp lý.

Theo đó, UBND TP.HCM đã yêu cầu sở, ngành chủ trì, hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ kê khai giá các mặt hàng theo thẩm quyền; thường xuyên theo dõi, kịp thời báo cáo UBND TP.HCM các trường hợp tăng giá bất hợp lý của các tổ chức, cá nhân kinh doanh mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá trên địa bàn thành phố.

tphcm ngan chan viec tang gia bat hop ly
Nhiều đơn vị bán lẻ như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh đã có thông báo giảm giá mặt hàng dầu ăn

Lãnh đạo TP.HCM cũng giao Sở Tài chính theo dõi diễn biến giá cả thị trường của các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành phù hợp; chủ động phân tích, dự báo diễn biến thị trường phục vụ kịp thời yêu cầu các lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Bộ Tài chính và UBND thành phố. Cùng với đó, chủ trì, phối hợp với Sở Công thương và các sở ngành có liên quan tham mưu UBND thành phố công tác quản lý giá đối với các mặt hàng tham gia các Chương trình bình ổn thị trường của TP.HCM.

Đồng thời, UBND TP.HCM cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Là đơn vị được UBND TP.HCM giao theo dõi sát diễn biến cung cầu các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu của người dân, bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, để hạn chế việc tăng giá bất hợp lý, Sở đã gửi văn bản kiểm tra giám sát việc tăng giá hợp lý tới các siêu thị, cửa hàng, chợ đầu mới, các đơn vị bình ổn giá…

Cho tới thời điểm hiện tại, Sở chưa phát hiện đơn vị vi phạm và đã có một số siêu thị thông báo giảm giá một số mặt hàng thiết yếu. Vừa qua, nhiều đơn vị bán lẻ như Saigon Co.op, Bách Hóa Xanh đã có thông báo giảm giá mặt hàng dầu ăn như: dầu ăn Cooking giảm giá từ 50.000 đồng xuống còn 47.000 đồng, dầu ăn Nakydaco giảm từ 47.000 xuống còn 43.000 đồng… Mức giảm giá này được áp dụng từ ngày 22/8.

Từ tháng 8, Sở Công Thương đã đề nghị UBND TP. Thủ Đức và 21 quận – huyện chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc liên quan theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường trên địa bàn; báo cáo định kỳ và đột xuất về Sở Công Thương, Sở Tài chính; kịp thời báo cáo và đề xuất các phương án xử lý khi có dấu hiệu khan hàng, tăng giá đột biến.

Theo đó, Sở Công Thương đề nghị các hệ thống phân phối phải dự báo cung cầu thị trường, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp bình ổn thị trường, đơn vị cung ứng chủ lực xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa; chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định, không tăng giá bất hợp lý; các đơn vị phân phối tiếp tục rà soát, hỗ trợ áp dụng chiết khấu, ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng; đặc biệt quan tâm nghiên cứu chính sách ưu đãi đối với những sản phẩm bình ổn thị trường và các mặt hàng thiết yếu khác.

Đối với các đơn vị chợ đầu mối, Sở Công Thương yêu cầu tăng cường kiểm tra theo dõi lượng hàng hóa xuất nhập, tình hình giá cả hàng hóa tại nguồn về chợ, nắm bắt tình hình kinh doanh – kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng của thương nhân trong chợ; tăng cường hoạt động kiểm tra kiểm soát đảm bảo hoạt động kinh doanh tại chợ thực hiện nghiêm túc quy định về niêm yết giá hàng hóa…

Đầu tháng 9 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã kiểm tra nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn thành phố, qua đó đề nghị Sở Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có phương án đảm bảo việc cung ứng xăng dầu, giám sát hoạt động của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Song song với đó, Cục Quản lý thị trường TP.HCM phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình hoạt động của các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, trách nhiệm đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường của các thương nhân kinh doanh xăng dầu, phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, giám sát, quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong kinh doanh xăng dầu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

“Hiện nay, nguồn cung hàng hóa vẫn đảm bảo số lượng, chất lượng, giá cả được giữ bình ổn theo đúng quy định do các đơn vị chuẩn bị cung ứng nguồn hàng dồi dào, nhiều doanh nghiệp bình ổn còn cam kết giữ giá cho người tiêu dùng”, bà Ngọc cho biết.

Theo Minh Lâm/Thời báo Ngân hàng