Để tận dụng cơ hội tại thị trường Trung Quốc, các DN phải nắm vững tính đa dạng vùng miền, phong tục, thói quen tiêu thụ thực phẩm để khai thác nhu cầu ở từng phân khúc thị trường khác nhau.
Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Theo đó, xuất khẩu tăng 34% trong tháng 5 và tăng 18% trong tháng 6. Sang tháng 7 và tháng 8 tiếp tục có xu hướng chững lại khi chỉ tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã triển khai Lệnh 248 về “Quy định Quản lý đăng ký DN sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu” và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”, đây cũng là rào cản lớn cho các DN chế biến, xuất nhập khẩu thủy sản Việt Nam.
Đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thuộc Bộ NN&PTNT cho biết, trong những năm qua, Việt Nam đã tham gia ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định với Trung Quốc và đây được xem là thỏa thuận rất quan trọng trong thương mại giữa hai nước.
Đặc biệt, xuất khẩu thủy sản giữa hai nước đã được siết chặt bằng thỏa thuận giám sát những sản phẩm thủy sản đã qua chế biến hay sản phẩm thủy sản tươi sống đã ký kết từ năm 2004, sau đó ký lại vào năm 2008 và gần đây nhất là năm 2014.
Trung Quốc là thị trường rất lớn với 1,4 tỷ dân, với nhu cầu tiêu dùng sẽ phục hồi nhanh khi quy định hạn chế các hoạt động công cộng, dịch vụ giải trí, du lịch tại nhiều nơi được nới lỏng sau khi kiểm soát được dịch bệnh chính là điểm đến hứa hẹn của các DN xuất khẩu Việt Nam.
Các DN xuất khẩu thủy sản Việt ngày càng nhanh nhạy với thông tin, nhu cầu của thị trường, nắm vững các quy định, tiêu chuẩn và đáp ứng quy định của thị trường Trung Quốc. Thời gian qua cơ quan Hải quan Trung Quốc đã cấp mã cho nhiều DN thủy sản Việt tham gia xuất khẩu thủy sản sang thị trường này.
Tuy nhiên, thời gian qua, với việc áp dụng Lệnh 248, 249, Trung Quốc sẽ tiến hành các biện pháp chặt chẽ hơn với an toàn vệ sinh thực phẩm và bất kỳ lúc nào khi các DN Việt Nam vi phạm các quy định của Hiệp định về vấn đề dịch bệnh trên thủy sản, hay vượt quá ngưỡng giới hạn cho phép đối với hóa chất, kim loại nặng trong sản phẩm thủy sản thì ngay lập tức họ có thể cấm các DN xuất khẩu sang Trung Quốc.
Bà Lê Hằng, Giám đốc Truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, với dân số lớn, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và thủy sản ngày càng cao, dự kiến Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 36% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu vào năm 2028, với mức tiêu thụ bình quân đầu người đạt khoảng 44,3 kg so với 39,3 kg như hiện nay.
Để tận dụng cơ hội tại thị trường Trung Quốc, các DN phải nắm vững tính đa dạng vùng miền, phong tục, thói quen tiêu thụ thực phẩm để khai thác nhu cầu ở từng phân khúc thị trường khác nhau.
Bên cạnh đó, các DN cần quan tâm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc đang có những tiêu chuẩn ngày càng cao với những sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và đáp ứng đầy đủ yêu cầu về truy xuất nguồn gốc.
Một vấn đề cũng hết sức cấp thiết là phải tổ chức tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn chuyên môn về tổ chức phòng, chống dịch bệnh, an toàn sinh học, thiết kế giám sát, lấy mẫu giám sát, xét nghiệm mầm bệnh, xây dựng cơ sở, chuỗi sản xuất an toàn dịch bệnh.
Đồng thời, tổ chức thông tin tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra trong công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch con giống, buôn bán và sử dụng thuốc thú y thủy sản tại các vùng nuôi, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo Khánh Duy/Thời báo Ngân hàng