Bộ Tài chính vừa có công văn số 7955/BTC-QLG gửi các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp đề nghị tăng cường công tác quản lý giá, bình ổn giá.
Theo đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các nhiệm vụ như cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ, để chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường.
“Các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá và xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý; thực hiện tốt phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại; kiểm soát chặt chẽ chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, Công văn 7955/BTC-QLG nêu rõ.
Trong trường hợp cần thiết, các sở, ban ngành có thể căn cứ vào thẩm quyền và điều kiện thực tế để trình Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định thực hiện Chương trình bình ổn thị trường tại địa phương hoặc tham mưu trình cấp có thẩm quyền bổ sung hàng hóa, dịch vụ vào danh mục bình ổn giá.
Đối với những hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục nhà nước định giá, cần rà soát phương án giá, trường hợp yếu tố hình thành giá giảm, đề nghị trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định.
Các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước và các doanh nghiệp cần chủ động rà soát phương án giá kê khai, kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, thực hiện đồng bộ có hiệu quả các giải pháp tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm giá, hỗ trợ người tiêu dùng, đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành, trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vi phạm các quy định về giá cũng phải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo Hà An/Thời bao Ngân hàng