Categories Doanh nghiệp

Thương hiệu có lịch sử lâu đời nhưng bị mờ nhạt dần – vì sao?

Bên cạnh những thương hiệu tiêu biểu ngày một vững mạnh trên thị trường trong và ngoài nước, vẫn có những thương hiệu dù có lịch sử lâu đời nhưng bị mờ nhạt dần trong nhận thức của người tiêu dùng. Vậy đâu là nguyên nhân và bài học rút ra từ hiện trạng này là gì?

Những nguyên nhân khiến thương hiệu bị mờ nhạt dần

Việc có những thương hiệu dù có lịch sử lâu đời nhưng bị mờ nhạt dần trong nhận thức của người tiêu dùng trong thị trường cạnh tranh khốc liệt như hiện nay không phải là câu chuyện hiếm gặp. Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Thứ nhất, sản phẩm mà doanh nghiệp hoặc thương hiệu đó mang đến cho người tiêu dùng không bắt kịp được xu hướng của thị trường: Từ kiểu dáng, mẫu mã, thiết kế, bao bì cho đến tính năng, công dụng. Doanh nghiệp không có sự đầu tư vào nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới để tạo ra sự đột phá và khác biệt cho sản phẩm. Điều này khiến sản phẩm của doanh nghiệp không thỏa mãn được mong muốn của khách hàng, người tiêu dùng. Lâu dần, họ sẽ đi tìm kiếm các sản phẩm thay thế khác phù hợp với sở thích, nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó sẽ dần bỏ qua các thương hiệu cũ trước đây đặc biệt là khi sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng lớn.

Thứ hai, các quốc gia đã và đang tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do, không những mở cánh cửa cho hàng hóa trong nước ra nước ngoài mà còn tạo điều kiện cho các loại hàng hóa, sản phẩm nổi tiếng của tập đoàn lớn trên thế giới tràn vào thị trường trong nước. Với phân khúc đa dạng, có thương hiệu, điều này sẽ tác động trực tiếp đến sản phẩm của các doanh nghiệp dù đã có thương hiệu lâu đời trên thị trường.

Thứ ba, đó là do doanh nghiệp chưa có sự đầu tư xứng đáng cho việc xây dựng và duy trì thương hiệu để lưu lại trong tâm trí khách hàng. Dù là thương hiệu lâu đời, đã được biết đến rộng rãi nhưng trong thời buổi công nghệ 4.0 như hiện nay, khi rất nhiều các doanh nghiệp tuy còn non trẻ đã có sự đầu tư bài bản, chiến lược cho việc định vị thương hiệu ghi dấu trong tâm trí khách hàng thì việc các doanh nghiệp thương hiệu lâu đời nhưng không có các hoạt động truyền thông, quảng bá xứng tầm để cạnh tranh thì cũng dễ dàng bị lu mờ và phai nhạt dần trong tâm trí khách hàng.

Doanh nghiệp cần đổi mới sáng tạo, ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất
Doanh nghiệp cần đổi mới sáng tạo, ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất.

Để có thể lưu giữ được hình ảnh thương hiệu lâu dài

Để có thể lưu giữ được hình ảnh thương hiệu lâu dài trong tâm trí của người tiêu dùng, theo ông Vũ Bá Phú, doanh nghiệp cần chú ý tới một số điểm sau:

Một là, doanh nghiệp cần định vị lại vị trí thương hiệu của mình trên thị trường. Doanh nghiệp cần xác định điểm mạnh, điểm yếu, những gì đã tốt và cần thay đổi, nâng cấp những gì để phù hợp với thị trường hiện tại và tương lai. Đánh giá được chính xác đối thủ trên thị trường để có chiến lược xây dựng thương hiệu phù hợp nhất với doanh nghiệp từ việc phát triển thương hiệu đến truyền thông, quảng bá như thế nào.

Hai là, nâng cao chất lượng sản phẩm là tăng uy tín của doanh nghiệp, giữ được khách hàng cũ, thu hút khách hàng mới, mở rộng thị trường tạo cơ sở cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng sản phẩm đồng nghĩa với nâng cao tính hữu ích của sản phẩm, thoả mãn nhu cầu của người tiêu dùng, đồng thời giảm chi phí trên một đơn vị sản phẩm nhờ hoàn thiện quy trình, đổi mới, cải tiến các hoạt động, giảm lãng phí về phế phẩm hoặc sản phẩm phải sửa chữa. Nâng cao chất lượng sản phẩm sẽ thoả mãn tốt yêu cầu của người tiêu dùng đối với chính hàng hoá đó giúp cho thương hiệu của sản phẩm, của doanh nghiệp luôn tạo ấn tượng tốt với người tiêu dùng

Ba là, doanh nghiệp cần đổi mới sáng tạo, dám xóa bỏ những công nghệ cũ, lạc hậu để tiếp nhận những công nghệ mới, tiên tiến. Ứng dụng kinh tế số, lấy internet, công nghệ thông tin để đẩy mạnh năng suất lao động, tiếp cận chăm sóc khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả…

Hành trình xây dựng thương hiệu là cả một quá trình rất dài và cần có sự đầu tư bài bản, nghiêm túc của doanh nghiệp ngày từ những ngày đầu tiên doanh nghiệp xuất hiện trên thị trường. Đặc biệt, điều cốt lõi ở đây đó là doanh nghiệp phải tìm được cho mình lối đi riêng, những điểm khác biệt về sản phẩm, quy trình sản xuất, hệ thống quản lý chất lượng hay một điểm mạnh nào đó của doanh nghiệp để khác biệt với đối thủ sẵn có trên thị trường. Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng nên chủ động sáng tạo, tiếp thu những cái mới, tích cực tham gia vào công cuộc chuyển giao công nghệ nước ngoài để tối ưu hóa được hiệu quả sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo Minh Anh/Thương hiệu&Công luận