Thị trường chứng khoán trong nước ngày 12/7 đảo chiều tâm lý tích cực nhờ nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ trong bối cảnh chứng khoán thế giới giảm điểm và thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức thấp. Dù vẫn còn ảnh hưởng từ một vài cổ phiếu vốn hóa lớn nhưng thị trường vẫn có phiên tăng mạnh trên diện rộng, thậm chí có hơn 40 cổ phiếu trên sàn HoSE đóng cửa ở mức giá trần.
Dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng 19,53 điểm (+1,69%) lên 1.174,82 điểm, bên cạnh đó chỉ số VN30 cũng vọt 10,42 điểm (+0,86%) đạt 1.219,44 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua, toàn thị trường có 362 mã tăng/97 mã giảm, ở rổ VN30 có tới 22 cổ phiếu tăng trong khi chỉ có 7 cổ phiếu giảm. Nhóm midcap và smallcap phiên này bứt phá, tăng lần lượt 3,04% và 3,32%.
Các cổ phiếu lớn hỗ trợ thị trường phiên này là: BID (+5,51%), GAS (+4,32%), GVR (+6,92%), MBB (+2,66%), BCM (+3,89%)… đã bù đắp áp lực giảm giá ở các cổ phiếu khác như: VHM (-0,5%), VJC (-1,49%), SAB (-0,97%), MSN (-0,49%), TMS (-6,33%)…
Thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE ở mức 9.297 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 10.149 tỷ đồng ở phiên hôm trước và mức bình quân gần 10.000 tỷ đồng ở tuần trước. Tổng cộng có 475 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 504 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó.
Khối ngoại bán ròng 325,35 tỷ đồng. Lực bán tập trung tại các cổ phiếu như VHM, VCB, CTG, VND, HPG… Ở chiều ngược lại, STB, VNM, KBC, DGC, DIG… là những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong phiên này.
Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Quân đội (MBS) cho biết, thị trường đảo chiều tâm lý và củng cố vùng đáy bất chấp chứng khoán thế giới giảm. Tín hiệu đáng chú ý là dòng tiền đang quay lại ở nhóm cổ phiếu đầu cơ, chủ yếu là các cổ phiếu bất động sản vốn hóa nhỏ. Bên cạnh đó, dù giá dầu vẫn giằng co nhưng nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn có phiên tăng mạnh mẽ. Ngoài 2 nhóm cổ phiếu tín hiệu này, nhóm cổ phiếu ngân hàng và năng lượng cũng hồi phục trên diện rộng.
Dưới góc nhìn của mình, Công ty CP Chứng khoán BOS cho biết, tâm lý hồi phục từ phiên chiều qua tác động tích cực tới thị trường ngay từ những phút đầu tiên khi một số cổ phiếu mạnh từ phiên trước tiếp tục tăng điểm như CTD, KBC, PVD, GAS, SZC… Bất chấp việc bộ đôi VIC, VHM tiếp tục ngăn cản, đà tăng của chỉ số chỉ bị níu giữ trong giờ đầu tiên giao dịch trước khi tăng mạnh trong khoảng thời gian sau.
Tâm điểm của phiên giao dịch đến từ 2 nhóm cổ phiếu dầu khí và khu công nghiệp với hàng loạt mã tăng trần như PVD, GVR, SZC, KBC, LHG. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu bất động sản, hóa chất, ngân hàng, chứng khoán, xây dựng cũng đóng góp tích cực cho điểm số chung với BID, MBB, BCM, DGC trong Top những cổ phiếu góp nhiều điểm nhất, bên cạnh GAS và GVR.
Nhận định thị trường cơ sở, BOS cho biết, các thị trường châu Á – Thái Bình Dương đều giảm điểm trong phiên với mức giảm khá mạnh. Giảm mạnh nhất là thị trường Đài Loan và Nhật Bản với mức giảm lần lượt 2,72% và 1,77%. Các nhà đầu tư lo ngại về một đợt đóng cửa khác khi Thượng Hải phát hiện trường hợp đầu tiên của biến thể phụ BA.5 Omicron. Trong nước, chỉ số VN-Index tăng mạnh 1,69% với sắc xanh lan tỏa trên tất cả các ngành nghề và dòng tiền ưu tiên đặc biệt vào nhóm khu công nghiệp và dầu khí.
Về kỹ thuật, bà Đinh Thái Huyền Trang, Công ty CP Chứng khoán BOS cho biết, chỉ số VN-Index đóng cửa với mức giá cao nhất trong phiên hình thành cây nến xanh với thân lớn cho thấy bên mua hoàn toàn chiếm ưu thế trong phiên trong khi bên bán đã tỏ ra đuối sức trong 5 phiên gần nhất.
Lực mua mạnh đưa chỉ số vượt lên trên kháng cự của đường MA5, đặc biệt là vượt lên Pivot Point tại 1.162,2 điểm khiến khả năng đảo chiều đang tỏ ra sáng sủa cho VN-Index sau thời gian dài giảm điểm. Tín hiệu đảo chiều được củng cố bởi chỉ báo MACD khi đường MACD đã cắt lên trên đường tín hiệu, báo hiệu xu hướng đang mạnh lên.
Theo Trần Hương/Thời báo Ngân hàng