Thị trường chứng khoán trong nước ngày 11/7 không duy trì được đà phục hồi ở 2 phiên cuối tuần trước, sức ép từ nhóm cổ phiếu trụ, trong đó có nhóm cổ phiếu ngân hàng đã khiến chỉ số VN-Index có thêm 1 phiên kiểm tra vùng đáy cũ. Thanh khoản phiên này đã tăng lên khi sức ép từ các cổ phiếu trụ khiến số cổ phiếu giảm gấp 3 lần số cổ phiếu tăng. Áp lực bán chủ yếu từ khối nhà đầu tư nội, trong khi khối ngoại giao dịch cân bằng.
Đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 16,02 điểm (-1,37%) còn 1.155,29 điểm, bên cạnh đó chỉ số VN30 cũng giảm 22,52 điểm (-1,83%) xuống 1.209,02 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 131 mã tăng/319 mã giảm, ở rổ VN30 chỉ có 2 cổ phiếu tăng trong khi có tới 24 cổ phiếu giảm. Nhóm midcap và smallcap cũng giảm lần lượt 1,18% và 0,92%.
Các cổ phiếu lớn gây sức ép lên thị trường phiên này là: VCB (-2,7%), TCB (-5,19%), VPB (-3,85%), MSN (-2,29%), BID (-1,43%)… đã lấn át nỗ lực tăng giá ở các cổ phiếu khác như: KBC (+3,43%), DIG (+4,29%), GEX (+4,06%), HAG (+6,55%), PGV (+1,95%)…
Thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE tăng lên mức 10.149 tỷ đồng so với mức 9.349 tỷ đồng ở phiên cuối tuần trước mức bình quân gần 10.000 tỷ đồng ở tuần trước. Tổng cộng có 489 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 506 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó.
Khối ngoại giao dịch cân bằng khi mua ròng nhẹ 1,71 tỷ đồng. Lực mua tập trung tại các cổ phiếu như VNM, GMD, PNJ, MWG, STB… Ở chiều ngược lại, SSI, DPM, VND, VHM, VCB… là những cổ phiếu bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong phiên này.
Công ty CP Chứng khoán MBS cho biết, thị trường không để “thủng đáy” khi có lực cầu kéo lên vào những phút cuối phiên ATC hôm nay. Tuy vậy, các chỉ số VN-Index và VN30 cũng đang rất gần mức đáy gần nhất. Phiên này, áp lực giảm chủ yếu đến từ nhóm cổ phiếu trụ, do vậy việc chỉ số vẫn giữ được vùng đáy cũ cũng cho thấy tín hiệu quan trọng về vùng đáy hiện tại là nỗ lực bảo vệ để chỉ số không giảm sâu hơn.
“Thanh khoản thị trường ở 3 tuần gần đây tương đương với hồi tháng 11/2020 khi bình quân mỗi phiên dao động quanh ngưỡng 10.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh thanh khoản ở mức thấp kỷ lục như vậy, dòng tiền phiên này lại nổi bật ở nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ. Với nhịp hồi cuối phiên ở các cổ phiếu lớn, nhiều khả năng nhóm cổ phiếu trụ và VN30 sẽ “trả điểm” ở phiên ngày mai (12/7)”, đại diện MBS nhận định.
Dưới góc nhìn của mình, Công ty CP Chứng khoán BOS cho biết, chỉ số VN-Index mở cửa với tâm lý thận trọng bao chum. Điểm số giảm 8,35 điểm ngay sau ATO khi nhiều mã vốn hóa lớn VHM, VIC, VRE, TCB… giảm mạnh từ 2-4%. Tuy những tin đồn thất thiệt trong ngày nghỉ cuối tuần bị bác bỏ ngay sau đó nhưng thị trường vẫn không thể hồi phục trong suốt phiên sáng.
Tới phiên chiều, nhóm Ngân hàng cũng tạo sức ép lớn lên chỉ số khi sắc đỏ lan tới nhiều mã như BID, VCB, TCB, VPB, ACB, HDB, MBB… khiến điểm số nhanh chóng lao dốc và giảm tới 27 điểm trước khi nhóm cổ phiếu VIC, VHM, VRE bất ngờ hồi phục trong phiên ATC. Khối ngoại mua ròng nhẹ 5,7 tỷ đồng, chủ yếu là VNM. Thanh khoản trên HOSE đạt 11.445,14 tỷ đồng với khối lượng giao dịch tương đương trung bình 20 phiên. Điểm tích cực là khối lượng bắt đáy tăng mạnh trong giờ giao dịch cuối cùng.
Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index dù tiếp tục ghi nhận phiên giảm với cây nến đỏ nhưng điểm tích cực xuất hiện ở khối lượng giao dịch. Lực cầu bắt đáy tăng mạnh trong giờ giao dịch cuối cùng khi điểm số giảm sâu đã giúp chỉ số không thủng đáy ngắn hạn tạo ra tuần trước, đồng thời tạo nến Pinbar đảo chiều trên đồ thị giờ. Dù tín hiệu trên đồ thị giờ chưa đủ để khẳng định thị trường đã tạo đáy, nhưng cũng là tín hiệu lạc quan mà các nhà đầu tư nên quan tâm để có thể giải ngân thăm dò vào một số nhóm cổ phiếu đã có tín hiệu tạo đáy trước thị trường và có kết quả kinh doanh quý II kỳ vọng tăng trưởng cao như nhóm Dầu khí, Điện, Hàng không, Hàng hóa thiết yếu, Ngân hàng quốc doanh, Bảo hiểm, Xây dựng…
Theo Quốc Tuấn/Thời báo Ngân hàng