Giá hàng hóa tiếp tục tăng cao trong nửa đầu năm 2022 sau đà tăng từ giữa năm 2020 do nhu cầu phục hồi trong bối cảnh sản xuất một số mặt hàng bị hạn chế cũng như tác động của xung đột giữa Nga và U-crai-na.
Với diễn biến này sẽ dẫn đến sự gián đoạn lớn đối với sản xuất và thương mại, đặc biệt những mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Nga và U-crai-na, bao gồm năng lượng và lúa mì.
Giá các sản phẩm dầu, đặc biệt là dầu diesel và xăng, tăng cao hơn nhiều so với giá dầu thô do công suất lọc dầu không đủ và hoạt động xuất khẩu các sản phẩm dầu tinh chế của Nga bị gián đoạn.
Nhóm các quốc gia G7 và EU tuyên bố sẽ cấm hoặc dần dần loại bỏ nhập khẩu dầu của Nga, với các biện pháp tương tự được thực hiện đối với than và khí đốt tự nhiên của quốc gia này.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính theo các lệnh trừng phạt hiện tại, xuất khẩu dầu của Nga có thể tạm thời giảm 2,5 triệu thùng mỗi ngày, khoảng 30% lượng xuất khẩu hiện tại và khoảng 3% nguồn cung toàn cầu.
Chuyển hướng mua dầu từ các nước khác kết hợp với việc sử dụng dầu mỏ dự trữ chiến lược và một số sản lượng bổ sung từ OPEC có thể sẽ đủ để bù đắp sự thiếu hụt này. Trong bối cảnh đó, giá năng lượng được dự báo sẽ tăng 52% trong năm 2022, cao hơn 47 điểm phần trăm so với dự báo trước đây của WB. Giá dầu thô Brent được dự báo sẽ ở mức trung bình 100USD/thùng.
Giá nông sản được dự báo sẽ tăng 18% trong năm 2022, cao hơn các dự báo trước đó, do sản lượng ngũ cốc giảm ở U-crai-na cũng như chi phí đầu vào cao. Giá phân bón dự kiến sẽ tăng gần 70% năm 2022 do chi phí đầu vào tăng cao, sản xuất giảm và gián đoạn thương mại.
Nga và U-crai-na là những nước xuất khẩu lúa mì chính, chiếm khoảng 1/4 lượng lúa mì xuất khẩu toàn cầu. Nga cũng là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới và đã thiết lập các hạn ngạch và hạn chế mới đối với xuất khẩu. Khoảng 90% lượng ngũ cốc xuất khẩu của U-crai-na chảy qua các cảng Biển Đen, hiện không hoạt động.
Một số lượng lúa mì có thể được vận chuyển qua các hành lang đường bộ và đường sắt, nhưng khối lượng sẽ giảm mạnh do tắc nghẽn cơ sở hạ tầng và các lo ngại về an toàn. Mức tăng giá nông sản năm 2022 phản ánh sự tăng vọt của giá lúa mì và ngô, được bù đắp một phần bởi sự sụt giảm nhẹ giá các mặt hàng chủ lực khác có nguồn cung toàn cầu dồi dào như gạo và đậu tương.
Giá kim loại tiếp tục tăng trong năm 2022, góp phần làm tăng đáng kể so với mức tăng của năm ngoái. Giá nhôm và niken tăng khoảng 30% do tầm quan trọng của Nga với tư cách là một nhà xuất khẩu lớn.
Giá kim loại hiện dự kiến sẽ tăng 12% năm 2022, một mức tăng đáng kể so với các dự báo trước đó. Ảnh hưởng của cuộc xung đột ở U-crai-na được cho là ít tác động lâu dài đến giá kim loại hơn là giá năng lượng.
Theo IMF, do tác động của xung đột ở U-crai-na và áp lực giá cả ngày càng tăng, lạm phát dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao hơn so với dự báo trước đó. Xung đột có thể sẽ kéo dài tác động đến giá hàng hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đến giá dầu và khí đốt năm 2022 và giá lương thực năm 2023.
Trong năm 2022, IMF dự báo lạm phát là 5,7% ở các nền kinh tế phát triển và 8,7% ở thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, cao hơn 1,8 và 2,8 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 01/2022.
Theo ngaynay.vn