Xuất khẩu giảm cả về lượng lẫn giá trị trong khi giá nguyên liệu tăng khiến ngành điều đối mặt nhiều khó khăn.
Xuất khẩu giảm cả lượng lẫn giá trị
Thống kê của Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho thấy, 5 tháng đầu năm 2022, toàn ngành đã xuất khẩu được 206.112 tấn điều nhân các loại, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,19 tỷ USD, giảm 7,81% về lượng, và giảm 6,81 về trị giá. Giá xuất khẩu bình quân đạt khoảng 5.792 USD/tấn, tăng 1,45% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, về mùa vụ thu hoạch điều năm 2022 ở Việt Nam và Ấn Độ không thuận lợi, vụ điều tại Việt Nam đến trễ hơn do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, ở một số vùng trồng điều chính cũng có dấu hiệu sâu bệnh.
Theo ông Trần Văn Hiệp, Phó Chủ tịch VINACAS, nửa đầu năm 2022 lượng xuất khẩu nhân điều chỉ giảm nhẹ (20.000 tấn) nhưng lượng điều thô nhập khẩu giảm khá nhiều (giảm 350.000 tấn).
Điều này cho thấy các nhà nhập khẩu và chế biến đang có xu hướng chậm mua nguyên liệu do nhiều nguyên nhân, chủ yếu do không tương quan giữa giá điều thô nhập khẩu và giá nhân xuất khẩu. Giá điều thô đang ở mức rất cao so với giá nhân bán ra, giá thành chế biến xuất khẩu cao trong khi giá bán nhân thấp. Các nhà máy chế biến khó cân đối cho hoà vốn, chưa tính đến lãi.
Theo ông Trần Văn Hiệp, những diễn biến của thế giới như xung đột Nga – Ukraine, lạm phát toàn cầu đang ảnh hưởng đến sự tiêu thụ và xuất khẩu hạt điều của Việt Nam.
Cũng theo nhận định của VINACAS, 6 tháng cuối năm 2022 thì tình hình khó khăn, đình trệ vẫn sẽ còn tiếp tục đến với ngành điều.
Giá cước tàu biển vẫn còn ở mức cao so với những năm trước dịch Covid-19, giá nhân xuất khẩu không tăng đồng bộ với đà tăng của điều thô, các nhà máy không thể cân đối giá thành chế biến và giá xuất khẩu, vì vậy số lượng nhân điều xuất khẩu của Việt Nam dự báo sẽ giảm kéo dài đến hết quý 4/2022.
Trong khi đó, thị trường lớn khác của hạt điều Việt Nam là Trung Quốc vẫn đang duy trì chính sách “Zero Covid” sẽ ảnh hưởng bất lợi đến ngoại thương và xuất khẩu nhân điều.
Theo kế hoạch Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra cho ngành điều, năm 2022 toàn ngành điều đặt mục tiêu xuất khẩu 3,8 tỷ USD, tăng 200 triệu USD so với năm 2021. Tuy nhiên, trong bối cảnh đối diện với nhiều khó khăn, VINACAS đã kiến nghị điều chỉnh chỉ tiêu doanh số xuất khẩu cả năm ở mức khiêm tốn 3,2 tỷ USD, giảm 400 triệu USD so với năm 2021.
Chất lượng điều cần được quan tâm
Ngoài vấn đề cung cầu, giá cả, VINACAS cũng nêu một số vấn đề liên quan đến đảm bảo chất lượng của ngành điều.
Mặc dù là nước xuất khẩu nhân điều hàng đầu thế giới nhưng Việt Nam cũng đã có những đối thủ bắt đầu trỗi dậy, đặc biệt là các nước châu Phi khi họ có lợi thế về nguồn nguyên liệu tại chỗ, việc vận chuyển đến các thị trường lớn như Mỹ, EU nhanh hơn, rẻ hơn.
Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý, đảm bảo chất lượng tốt nhất, giao hàng đúng tiến độ để giữ uy tín, lòng tin của khách hàng; đồng thời tập trung nâng cao tỷ trọng sản phẩm chế biến để nâng giá trị gia tăng và thương hiệu điều Việt Nam.
Theo VINACAS, vấn đề dư lượng chất bảo quản hay chất chống sâu mọt là vấn đề lớn, doanh nghiệp cần hết sức lưu ý, khắc phục bởi việc bị phát hiện dư lượng, trả hàng không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp xuất khẩu mà cả ngành điều Việt Nam.
Bên cạnh đó, VINACAS cho biết, để đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, hiệp hội đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ cập nhật và hướng dẫn thực hiện các quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm của thị trường nước ngoài, đặc biệt là các thị trường Trung Quốc, EU, Mỹ.
VINACAS kiến nghị ngành ngân hàng ưu tiên triển khai gói hỗ trợ giảm lãi suất vay cho các doanh nghiệp ngành điều trong thời gian sớm nhất.
Để đảm bảo thông mạch xuất khẩu, VINACAS cũng có đề nghị Bộ Giao thông – Vận tải chỉ đạo các hãng tàu, đảm bảo cung cấp số lượng container rỗng cho các hợp đồng đã ký kết với doanh nghiệp Việt Nam. Tránh lặp lại tình trạng thiếu container rỗng bất thường đã xảy ra trong năm 2021, gây thiệt hại về nhiều mặt.
Đồng thời, đề nghị các đơn vị không sản sinh ra các loại phí mới bất hợp lý như phí sử dụng hạ tầng cảng biển, phí cân bằng container… gây khó khăn cho các doanh nghiệp.
Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiệp hội kiến nghị tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu và xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành cho hạt điều và các sản phẩm phụ của cây điều để có cơ sở đánh giá chất lượng. Cùng với đó, ngành nông nghiệp cần đánh giá, quy hoạch ổn định các vùng trồng điều.
Theo Bảo Phương/Chất lượng&Cuộc sống