Theo khảo sát của thoibaonganhang.vn, sáng nay (13/6), trong khi tỷ giá trung tâm tiếp tục tăng thì giá mua – bán bạc xanh tại hầu hết các ngân hàng ít thay đổi so với phiên trước.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sáng nay niêm yết tỷ giá trung tâm ở 23.071 đồng, tăng 6 đồng so với phiên giao dịch trước. Như vậy tỷ giá trung tâm đã có phiên tăng thứ ba liên tiếp với tổng mức tăng là 14 đồng.
Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN trong sáng nay tiếp tục giữ nguyên ở 22.550 VND/USD đối với giá mua vào và 23.250 VND/USD với giá bán ra.
Sáng nay, giá mua – bán bạc xanh tại hầu hết các ngân hàng ít thay đổi so với phiên trước.
Cụ thể, tính đến 9h sáng nay, giá mua thấp nhất đang ở mức 23.010 VND/USD, giá mua cao nhất đang ở mức 23.090 VND/USD. Trong khi đó ở chiều bán ra, giá bán thấp nhất đang ở 23.280 VND/USD, giá bán cao nhất đang ở 23.520 VND/USD.
Chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường biến động của đồng bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), cập nhật đến đầu giờ sáng nay theo giờ Việt Nam ở mức 102,514 điểm, tăng 0,325 điểm (+0,31%) so với thời điểm mở cửa.
Bạc xanh tăng giá trong khi yên Nhật đã giảm xuống mức thấp nhất 20 năm so với bạc xanh, khi dữ liệu lạm phát nóng hơn của Mỹ đã làm tăng lợi suất trái phiếu kho bạc.
Các nỗ lực của các ngân hàng trung ương trong việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát sẽ vẫn được chú trọng trong tuần này. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) dự kiến sẽ tăng lãi suất tại các cuộc họp sắp diễn ra và có khả năng Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cũng sẽ tăng lãi suất, nhưng có rất ít thay đổi từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).
Sáng nay, bạc xanh đã tăng 0,31% lên 134,82 JPY/USD. Trước đó, có lúc nó đã chạm mốc 135 – mức cao nhất trong 20 năm và tiến gần hơn mức cao nhất năm 2002 ở 135,20.
Trước đó, yên Nhật phục hồi vào cuối ngày thứ Sáu, khi chính phủ và BOJ cho biết họ lo ngại về sự sụt giảm mạnh gần đây của đồng yên, một tuyên bố chung hiếm hoi được coi là lời cảnh báo mạnh nhất cho đến nay rằng Tokyo có thể sẽ can thiệp để hỗ trợ đồng tiền này.
“Lợi suất và giá năng lượng ở nước ngoài tăng cùng với các thông điệp tiếp tục ôn hòa của BOJ đã đẩy USD/JPY lên mức cao nhất trong hai thập kỷ”, các nhà phân tích của Barclays nói.
Họ kỳ vọng USD/JPY sẽ giao dịch trong khoảng từ 131 đến 136 trong tuần này và lưu ý rằng “không có ngưỡng rõ ràng nào ở trên mức cao nhất năm 2002 ngoài các con số tròn 136, 137 và 138”.
Sáng nay, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã chạm mức 3,2%, tăng gần 12 điểm cơ bản vào thứ Sáu sau khi lạm phát của Mỹ vượt qua kỳ vọng, khiến thị trường đặt cược rằng Fed sẽ phải tăng lãi suất mạnh mẽ hơn nữa.
Theo công cụ FedWatch của CME, thị trường định giá khoảng 2/3 khả năng Fed tăng lãi suất ít nhất 125 điểm cơ bản trong hai cuộc họp tiếp theo của Fed.
Trong khi đó, các nhà phân tích của Barclays cho biết họ đang kỳ vọng mức tăng 75 điểm cơ bản sau cuộc họp kéo dài hai ngày của Fed trong tuần này.
Kỳ vọng về một Fed diều hâu hơn đang đẩy giá bạc xanh lên cao.
Euro sáng nay suy yếu ở mức 1,0485 USD, giảm 0,32% và bảng Anh giảm 0,37% xuống 1,2270 USD, mặc dù được hỗ trợ từ kỳ vọng BOE sẽ tăng lãi suất vào thứ Năm – lần tăng thứ năm kể từ tháng 12/2021.
Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cũng họp vào thứ Năm và dự kiến mức tăng lãi suất là 25 điểm cơ bản.
Đô la Úc – đồng tiền nhạy cảm với rủi ro – sáng nay giảm 0,68% xuống mức thấp nhất trong ba tuần rưỡi ở 0,7010 USD do các nhà đầu tư tìm kiếm các tài sản an toàn hơn.
Đô la New Zealand sáng nay giảm 0,58% và giao dịch ở 0,5333 USD.
Theo PL/Thời báo Ngân hàng