Thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp sản xuất gia vị, chế biến rau quả khi muốn xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) là các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. Do đó, trao đổi với Thoibaonganhang.vn, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) khẳng định, tăng cường năng lực các doanh nghiệp sản xuất gia vị khi muốn xuất khẩu vào EU là một đòi hỏi cấp thiết.
Tiềm năng xuất khẩu của hồ tiêu Việt Nam tại thị trường EU như thế nào, thưa bà?
Theo Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt tiêu sang EU đạt 14 nghìn tấn, tương đương 73 triệu USD, tăng 16% về lượng và tăng 65% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Trước đó, năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu sang EU đạt 130,5 triệu USD, tăng 47% so với năm 2020. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam chiếm 29,75% trong tổng giá trị nhập khẩu của EU, cao hơn so với 25,98% trong năm 2020. Do đó, cơ hội, tiềm năng xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang thị trường EU trong thời gian tới là rất lớn.
Theo bà, doanh nghiệp sản xuất gia vị Việt nói chung và hồ tiêu nói riêng đang gặp khó khăn gì khi xuất khẩu vào thị trường EU?
Tiêu chuẩn mà các thị trường yêu cầu đều là đảm bảo các quy định về kiểm soát chất lượng ngày càng ngặt nghèo. Trong đó, khó khăn lớn nhất hiện nay là các tiêu chí về dư lượng, với sản phẩm gia vị là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Hai vấn đề này, thị trường EU đặt tiêu chí rất cao và mở rộng ngày càng nhiều, mức độ cũng ngày càng chặt chẽ hơn.
Trong khi đó, vấn đề dư lượng nêu trên bị ảnh hưởng nhiều từ quá trình trồng, thậm chí cả trước khi trồng tại các vùng sản xuất, làm ảnh hưởng tới ngay nguyên liệu đầu vào.
Quá trình trồng còn bị tác động bởi nhiều yếu tố, đặc biệt là do bà con nông dân khi canh tác chưa cập nhật những đáp ứng của thị trường bên mua, liên kết sản xuất chưa đủ mạnh để doanh nghiệp đồng hành hỗ trợ nông dân 100% trong quá trình canh tác.
Về thị trường gia vị Việt xuất khẩu nói chung, dù đã có một số doanh nghiệp xuất khẩu xây dựng được thương hiệu riêng nhưng nhận thức về thương hiệu của thị trường EU đối với các mặt hàng gia vị tiêu chuẩn còn thiếu. Trong khi đó, các doanh nghiệp thiếu các thủ tục phù hợp để tăng năng lực ngành và bán hàng hóa tại EU tạo ra công suất toàn ngành mạnh mẽ.
Các bộ, ngành, địa phương cần làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những “rào cản” này?
Chúng ta đã có chiến lược phát triển cho từng mặt hàng chủ lực, đặc biệt với hồ tiêu – mặt hàng xuất khẩu tỷ USD và là nguồn thu kinh tế chính của nhiều địa phương. Tuy nhiên, cần có chiến lược phát triển lâu dài cho cây tiêu, tạo nhận thức cho người tiêu dùng về sản phẩm tiêu Việt Nam, tạo uy tín.
Do đó, các bộ, ngành có liên quan mà chủ chốt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nên có liên kết ngành hàng, liên kết chặt chẽ hơn để đảm bảo khả năng cung cấp, duy trì bền vững nguyên liệu vì rất dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, sâu bệnh. Công tác thống kê, cập nhật yếu tố mùa vụ có hại cho ngành tiêu cũng cần được quan tâm. Đặc biệt, cây tiêu sinh kế của rất nhiều nông dân, đóng góp chính vào nguồn thu cho nhiều địa phương nên cần tuyên truyền để địa phương hiểu và coi phát triển ngành tiêu là nhiệm vụ của mình.
Khả năng mở rộng liên kết tùy thuộc vào khả năng tài chính và năng lực xuất khẩu của từng doanh nghiệp. Khó khăn ở đây là doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính lớn để đủ sức bao quát vùng nguyên liệu từ khâu trồng, sản xuất cho đến khâu đưa sản phẩm ra thị trường. Vì vậy, nếu doanh nghiệp nào nguồn vốn mỏng nên chờ thêm các đơn hàng mới, nguồn lực tài chính dày hơn thì mở rộng từ từ chứ không thể trong “một chốc một lát”.
Ngoài ra, xây dựng thương hiệu hạt tiêu Việt Nam phải nằm ở cái gốc, đó là chất lượng sản phẩm. Những thông tin về sản xuất bền vững cần được chuyển tải thành thông điệp, clip…, và quảng bá rộng rãi.
Doanh nghiệp, ngành hàng cần mang thương hiệu đến các hội thảo, sự kiện để khách hàng quốc tế có nhận thức về sản phẩm tiêu Việt Nam. Để xây dựng được thương hiệu hạt tiêu mang tầm quốc tế, chúng ta cần ít nhất 3-5 năm.
Xin cảm ơn bà!
Theo Hương Giang /Thời báo Ngân hàng