Với dân số gần 700 triệu dân, thị trường ASEAN được đánh giá có nhiều dư địa để tăng trưởng xuất khẩu của nhiều loại hàng hóa Việt Nam, trong đó có mặt hàng gạo. Gạo Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang Philippinnes, sau đó là Singapore, Indonesia, Malaysia, Brunei.
Theo ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia, là nhà sản xuất lúa gạo nhưng Indonesia cũng là nước nhập khẩu gạo lớn. Bởi giá thành sản phẩm lúa gạo của Indonesia hiện khá cao, dẫn tới thu nhập của người nông dân trồng lúa thấp, không thiết tha với sản xuất lúa gạo. Ngoài ra, năng suất và chất lượng lúa gạo của Indonesia thật sự chưa cao. Chính vì thế, lượng gạo nhập khẩu của Indonesia tương đối ổn định trong 3 năm gần đây. Theo đó, năm 2019, Indonesia nhập khẩu 444,5 nghìn tấn với trị giá là 184 triệu USD; năm 2020 là hơn 356 nghìn tấn với trị giá là 195 triệu USD; năm 2021 là hơn 407,7 nghìn tấn trị giá là 184 triệu USD. Các thị trường cung cấp gạo chủ yếu cho Indonesia là Pakistan, Việt Nam, Thái Lan và Ấn Độ. Năm 2020, Việt Nam chỉ chiếm 24,9% lượng gạo nhập khẩu của Indonesia. Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu gần 66 nghìn tấn gạo, chiếm 16,1%.
Indonesia nhập gạo có chất lượng cao chủ yếu từ Thái Lan và Việt Nam, trong khi đó, nhập khẩu gạo 100% tấm phục vụ sản xuất công nghiệp từ Pakistan và Ấn Độ. Nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, Indonesia có chính sách quản lý tạm nhập khẩu khá chặt chẽ theo cơ chế cấp phép và giới hạn 10 loại gạo được phép nhập khẩu. Đây là những loại gạo trong nước không sản xuất hoặc chưa thể đáp ứng được nhu cầu như gạo chất lượng cao có từ 1-5% tấm hoặc gạo dành cho những người bệnh tiểu đường…
Gạo xuất khẩu sang thị trường Indonesia phải đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định của nước này về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, có 19 loại hóa chất với dư lượng tối đa cho phép từ 0,01 miligam trên một kg tới 10 miligam trên kg tùy theo từng loại hóa chất. Việc kiểm nghiệm các tiêu chuẩn này phải được thực hiện bởi một trong 10 phòng kiểm nghiệm của Việt Nam đã được phía bạn phê duyệt.
Ông Phạm Thế Cường cho biết, gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đã có chỗ đứng nhất định tại thị trường Indonesia, luôn nằm trong Top 3 nước cung cấp gạo hàng đầu. Tuy nhiên, theo đánh giá của thương vụ, gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong thời gian tới tại thị trường này bởi chủ trương tự đảm bảo an ninh lương thực trong nước khiến nhập khẩu gạo sẽ có xu hướng sụt giảm. Bên cạnh đó, chính phủ Indonesia ngày càng chú trọng thúc đẩy trồng lúa gạo thông qua việc xây dựng các vùng lúa chuyên canh, tập trung phát triển mở rộng hệ thống thủy lợi xây dựng thêm nhiều hồ chứa tích nước phục vụ tưới tiêu trồng lúa gạo.
Indonesia là nước đông dân thứ 4 trên thế giới với mức bình quân thu nhập đầu người vào năm 2021 là 4.349 USD/người/năm. Với tầng lớp trung lưu hiện khoảng gần 60 triệu người và đang gia tăng nhanh chóng sẽ giúp nhu cầu tiêu dùng các loại gạo có chất lượng cao ngày càng gia tăng, trong khi đó khả năng cung ứng gạo chất lượng cao trong nước của Indonesia còn nhiều hạn chế. Các loại gạo đặc sản, chất lượng cao của Việt Nam như ST25 hoàn toàn có thể gia tăng thị phần tại thị trường Indonesia trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt tại thị trường này như hiện nay, công tác quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam cần phải tiếp tục tăng cường mạnh mẽ. Hiện vẫn còn nhiều nhà nhập khẩu lớn của Indonesia chưa biết tới các dòng gạo chất lượng cao của Việt Nam.
Ở một thị trường khác, bà Trần Lê Dung, Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia cho hay, xuất khẩu gạo sang quốc gia này trong tháng 1/2022 tăng mạnh cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ, tăng 104% về khối lượng và tăng 67,5% về kim ngạch, đạt gần 35 nghìn tấn, tương đương 16,07 triệu USD.
“Một tín hiệu rất tích cực là nhu cầu gạo của Malaysia ngày càng cao. Điều này cho thấy đang có những cơ hội không nhỏ để các doanh nghiệp Việt Nam khai thác. Gạo Việt Nam không chỉ có cơ hội phát triển mạnh vào thị trường Malaysia mà thông qua đó, còn có thể tiếp cận khu vực thị trường Trung Đông rộng lớn bằng những mẫu mã có chất lượng hàng hóa phù hợp”, bà Dung chia sẻ.
Ông Cao Xuân Thắng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Singapore cũng cho biết, năm 2021 lượng gạo tẻ trắng của Việt Nam xuất khẩu sang Singapore tăng gần 30% so với năm 2020. Hiện Việt Nam nằm trong Top 3 nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore. Tuy nhiên, thị phần gạo của Việt Nam tại đây so với Thái Lan hiện còn kém xa. Hiện Singapore mới chỉ tự chủ được khoảng 10% lượng thực phẩm các loại. Trong vòng 5-10 năm tới, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng nông sản từ các nước nói chung và từ Việt Nam nói riêng vẫn rất cao. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gạo, rau củ quả, cà phê và các mặt hàng về thủy sản. Năm 2021, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Singapore đạt khoảng 90 triệu USD.
“Singapore là một thị trường rất khó tính, khắt khe. Họ chấp nhận mua hàng với giá cao nhưng sản phẩm phải tốt. Cùng với đó, các doanh nghiệp gửi hàng mẫu sang Singapore cần in nhãn tiếng Anh”, ông Cao Xuân Thắng lưu ý.
Theo Hải Yến/Thời báo Ngân hàng