BIDV đặt mục tiêu tăng lợi nhuận từ 19 – 26%

Ngày 29/4/2022, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022.

bidv dat muc tieu tang loi nhuan tu 19 den 26
Ông Phan Đức Tú tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2022

Chào bán riêng lẻ 455 triệu cổ phần

Tổng tài sản BIDV tăng trưởng ổn định qua các năm, đến 31/12/2021 đạt 1.761.696 tỷ đồng, gấp 1,75 lần so với thời điểm 31/12/2016, tăng trưởng bình quân 11,85%/năm giai đoạn 2017-2021, là ngân hàng TMCP có tổng tài sản lớn nhất Việt Nam.

Huy động vốn đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản hệ thống. Đến 31/12/2021, tổng nguồn vốn huy động đạt 1.641.777 tỷ đồng, gấp 1,75 lần so với thời điểm 31/12/2016; trong đó huy động vốn tổ chức, dân cư đạt 1.509.483 tỷ đồng, gấp 1,89 lần, tăng trưởng bình quân 13,61%/năm giai đoạn 2017-2021, chiếm bình quân trên 11% thị phần tiền gửi toàn ngành.

Dư nợ tín dụng tăng trưởng khá, tuân thủ giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) giao, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN và định hướng của BIDV. Đến 31/12/2021, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1.677.310 tỷ đồng, gấp 1,76 lần so với 31/12/2016; Trong đó dư nợ tín dụng tổ chức kinh tế và dân cư đạt 1.368.029 tỷ đồng, gấp 1,82 lần, tăng trưởng bình quân 12,73%/năm trong 5 năm, chiếm trên 13% thị phần tín dụng toàn ngành, đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng.

Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ: Tỷ lệ nợ xấu thời điểm 31/12/2021 ở mức 0,82%, kiểm soát theo đúng mục tiêu NHNN và ĐHĐCĐ giao hàng năm; Trích lập dự phòng rủi ro hàng năm theo quy định, trong đó năm 2021, trích đủ 100% DPRR cho dư nợ cơ cấu theo các Thông tư 01/03/14 của NHNN, sớm hơn 2 năm so với yêu cầu của NHNN; Tỷ lệ bao phủ nợ xấu riêng khối NHTM thời điểm 31/12/2021 đạt 235%.

Chênh lệch thu chi hợp nhất giai đoạn 2017-2021 tăng trưởng bình quân 20,5%/năm, năm 2021 cán mốc 43.029 tỷ đồng, gấp 2,54 lần so với năm 2016. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng trưởng bình quân 11,9%/năm, năm 2021 đạt 13.548 tỷ đồng, tăng 50,1% so với năm 2020 và gấp 1,76 lần so với năm 2016; Tuân thủ đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, giai đoạn 2017-2021 nộp hơn 28 nghìn tỷ đồng (năm 2021 là 5.169 tỷ đồng). Vốn Nhà nước tại BIDV được bảo toàn và phát triển, đến 31/12/2021, đạt 69.918 tỷ đồng, tăng 66,4% so với 31/12/2016. Từ năm 2017-2021, BIDV chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông với tổng giá trị hơn 11.200 tỷ đồng; Giá trị vốn hóa thị trường của BIDV năm 2021 đạt 187,2 nghìn tỷ đồng (8,14 tỷ USD), đứng thứ 6 trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Đến hết quý I/2022, kết quả kinh doanh của BIDV rất khả quan, bám sát kế hoạch đề ra: Tổng tài sản đạt trên 1,85 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 5% so với đầu năm; Dư nợ tín dụng đạt 1,43 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 4,7%; Huy động vốn đạt 1,53 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1,3%; Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 kiểm soát ở mức 0,8%; Tỷ lệ trang trải nợ xấu đạt trên 277%; Lợi nhuận trước thuế đạt 4.513 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ.

Với phương châm hành động “Kỷ cương – Hiệu quả – Chuyển đổi số”, BIDV đặt mục tiêu phấn đấu hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2022 với các chỉ tiêu chính như: Dư nợ tín dụng tăng trưởng tuân thủ giới hạn NHNN giao; Huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng, đảm bảo LDR ≤85% theo quy định, dự kiến 10%; Lợi nhuận trước thuế riêng khối NHTM đạt 20.000 tỷ đồng, hợp nhất 20.600 tỷ đồng.

BIDV cũng xác định tiếp tục nâng cao năng lực tài chính; tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; đảm bảo hợp lý cơ cấu tài sản nợ – tài sản có; đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số toàn diện; tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng; cải thiện và thúc đẩy hoạt động của các công ty con, công ty liên kết; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường công tác kiểm tra giám sát, kiểm toán nội bộ và công tác cảnh báo; triển khai kế hoạch thay đổi nhận diện thương hiệu BIDV theo đúng lộ trình, tiếp tục hoàn thiện và thực hành…

BIDV cũng trình đại hội đồng cổ đông thông qua hai phương án phát hành để tăng thêm vốn điều lệ thêm hơn 10.600 tỷ, lên 61.208 tỷ đồng. Theo đó, nhà băng này dự kiến phát hành 607 triệu cổ phiếu để trả cổ tức. Bên cạnh đó, BIDV cũng tính chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ 455 triệu cổ phần giai đoạn 2022 – 2023.

bidv dat muc tieu tang loi nhuan tu 19 den 26
HĐQT và Ban kiểm soát BIDV 2022-2027

Lợi nhuận ngân hàng sẽ tăng đáng kể

Chiến lược đến năm 2025, BIDV đặt mục tiêu tăng lợi nhuận 19-26%. Lãnh đạo BIDV đánh giá đây là mức khá cao so với tỷ lệ tăng trưởng dự nợ tín dụng 10-12% mỗi năm. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT ông Phan Đức Tú khẳng định BIDV sẽ thực hiện đúng cam kết với cổ đông, tăng trưởng lợi nhuận nhanh hơn so với mức tăng trưởng tổng tài sản, nhanh hơn tăng trưởng dư nợ và số trích lập dự phòng rủi ro sẽ giảm xuống.

Ông Phan Đức Tú cho biết, năm 2021 do tác động dịch Covid-19, BIDV chỉ đạt lợi nhuận 12.500 tỷ đồng khi đã phải dành nguồn lực khoảng 7.900 tỷ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Theo ông Tú, năm 2022, mức trích lập dự phòng rủi ro của BIDV sẽ giảm 6.000 tỷ đồng so với năm 2021, xuống còn 23.000 tỷ đồng. Năm nay khi dịch Covid đã được kiểm soát tốt, kinh tế hồi phục, BIDV sẽ đạt được kế hoạch tăng trưởng 52% lợi nhuận năm nay nhờ giảm trích lập cùng tiết giảm chi phí.

Đại hội đã thống nhất cao bầu ra HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2022-2027 gồm 10 thành viên: Ông Phan Đức Tú, Ông Lê Ngọc Lâm, Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Ông Trần Xuân Hoàng, Bà Phan Thị Chinh, Ông Ngô Văn Dũng, Ông Phạm Quang Tùng, Ông Lê Kim Hòa, Ông Yoo Je Bong (đại diện Hana Bank), Ông Nguyễn Văn Thạnh (thành viên HĐQT độc lập). Đại hội cũng đã thống nhất cao bầu ra Ban Kiểm soát gồm 03 thành viên: Bà Võ Bích Hà, Ông Cao Cự Trí, Bà Nguyễn Thị Thu Hà.

Tại phiên họp HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2022 – 2027 lần thứ nhất, HĐQT đã thống nhất bầu Ông Phan Đức Tú giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2022-2027 và quyết định bổ nhiệm Ông Lê Ngọc Lâm – Thành viên HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2022-2027 tiếp tục giữ chức vụ Tổng Giám đốc BIDV.

Theo Phan Anh/Thời báo Ngân hàng