Lào là nước dẫn đầu 12 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam với 64,3 triệu USD, chiếm 30,4% tổng vốn đăng ký; tiếp đến là Hoa Kỳ 34,5 triệu USD, chiếm 16,3%; Canada 34 triệu USD.
Tổng cục Thống kê cho biết đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2022 có 24 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 180,2 triệu USD, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm trước; có 3 lượt dự án điều chỉnh vốn tăng 31,2 triệu USD, giảm 92,8%.
Có 12 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Lào là nước dẫn đầu với 64,3 triệu USD, chiếm 30,4% tổng vốn đăng ký; Hoa Kỳ 34,5 triệu USD, chiếm 16,3%; Canada 34 triệu USD, chiếm 16,1%; Singapore 29,9 triệu USD, chiếm 14,1%; Indonesia 22,7 triệu USD, chiếm 10,8%.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 211,5 triệu USD, giảm 63% so với cùng kỳ năm trước.
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, quý 1 đầu năm, vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới tăng mạnh do có hai dự án lớn mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đó là các dự án của Công ty cổ phần Giải pháp năng lượng Vines đầu tư sang Mỹ và Canada.
Trong khi đó, vốn đầu tư điều chỉnh giảm mạnh do trong 3 tháng năm 2021 có nhiều dự án lớn điều chỉnh tăng vốn. Chẳng hạn, dự án của Vingroup tại Mỹ điều chỉnh tăng 300 triệu USD; dự án của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và Phát triển cao su Đông Dương tại Campuchia tăng 76 triệu USD và 1 dự án của Vinfast tại Đức tăng 32 triệu USD.
Chỉ riêng 3 dự án này đã chiếm tới 94,5% tổng vốn điều chỉnh của 3 tháng năm 2021.
Cũng theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, trong 3 tháng qua, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 8 ngành; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với 5 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư 96,75 triệu USD, chiếm gần 45,8% tổng vốn đầu tư.
Ngành khai khoáng đứng thứ hai với 01 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư 33,5 triệu USD, chiếm 14,6%; tiếp đến là hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm đạt 30,8 triệu USD, chiếm 14,6%; các ngành còn lại đạt 50,4 triệu USD, chiếm 23,8%.
Trong số các nước nhận đầu tư nhiều của Việt Nam, đáng chú ý là Mỹ khi số vốn đầu tư của Việt Nam vào nước này đang tăng nhanh. Cụ thể, tháng 1 đầu năm Việt Nam đầu tư vào Mỹ với tổng vốn đầu tư 2,9 triệu USD. Trong 2 tháng đầu năm 2022, tổng số vốn Việt Nam đầu tư vào Mỹ đạt 2,9 triệu USD và 3 tháng đầu năm tăng nhanh chóng lên 34,5 triệu USD.
Một trong số các dự án quy mô lớn của Việt Nam tại nước ngoài phải kể đến dự án xây nhà máy sản xuất xe điện và pin của VinFast tại Bắc Carolina, Mỹ. Dự án có mức đầu tư lên tới 2 tỷ USD trong giai đoạn 1 và sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm cho lao động địa phương.
Giai đoạn 1 của dự án này sẽ được khởi công trong năm 2022, ngay sau khi nhận được giấy phép xây dựng, dự kiến vận hành vào tháng 7/2024. Công suất giai đoạn 1 dự kiến đạt 150.000 xe mỗi năm.
Đối với quốc gia Lào, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian qua, hợp tác đầu tư Việt Nam-Lào đã có sự phát triển không ngừng. Lào luôn đứng thứ nhất trong số 78 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
Một số dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào có hiệu quả, tiếp tục tăng vốn đầu tư mở rộng trong năm 2022 và các năm tiếp theo.
Hiện, nhiều dự án đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội, nộp ngân sách, thực hiện công tác an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm, đào tạo và nâng cao tay nghề, trình độ của người lao động, cải thiện cơ sở hạ tầng tại một số địa phương… được Chính phủ Lào ghi nhận và đánh giá cao.
Nổi bật, trong năm 2021, một số một số dự án lớn, quan trọng đã được phía Lào tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện như: dự án cảng Vũng Áng, thủy điện Luang Prabang, Xekaman 3, muối mỏ Kali, sân bay Noong-khảng…
Cũng tại cuộc gặp gỡ đại diện doanh nghiệp giữa hai nước gần đây, đại diện các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và Lào đã khẳng định quan điểm hợp tác đầu tư lâu dài, bền vững.
Các doanh nghiệp Lào đánh giá cao việc hai nước triển khai các dự án thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế; trong đó, có kết nối hạ tầng cơ sở cứng và mềm, đặc biệt là các dự án giao thông đường bộ, đường sắt và đường không, cảng biển (nhất là cảng Vũng Áng, Hà Tĩnh); giúp Lào thực hiện thành công mục tiêu trở thành trung tâm logistics ở khu vực và có kết nối ra biển, đại dương.
Theo ngaynay.vn