Là dự án quy mô lớn, IPSC hướng đến hỗ trợ 5.000 doanh nghiệp, trong đó có 60 doanh nghiệp tiên phong, 240 doanh nghiệp vươn ra quốc tế thành công. Đồng thời cũng hỗ trợ cả các tổ chức, doanh nghiệp tăng cường năng lực, gồm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh, hợp tác xã… với mục đích chính là hỗ trợ giải quyết vấn đề con người, công nghệ, kỹ thuật…
Ông Trịnh Khắc Toàn, Giám đốc Khu vực phía Bắc của Amazon Global Selling Việt Nam cho biết, các con số thống kê và dự báo từ năm 2019 – 2024 cho thấy, trong khi doanh số bán hàng toàn cầu giảm do Covid-19 thì giao dịch qua thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng ấn tượng.
Top 5 mặt hàng làm nên sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử toàn cầu là thời trang và phụ kiện, điện tử dân dụng, đồ chơi và đồ dùng cá nhân, nội thất và đồ gia dụng, thực phẩm và chăm sóc cá nhân. Đặc biệt, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ xóa bỏ sự phức tạp của phương thức xuất khẩu truyền thống và tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng toàn cầu.
Bởi thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ rút ngắn quãng đường đi của sản phẩm, từ nhà sản xuất qua các nền tảng giao dịch tới người tiêu dùng. Nó giúp loại bỏ trung gian, góp phần giảm chi phí và tăng lợi nhuận, kiểm soát được thị trường và vòng đời của sản phẩm. Các doanh nghiệp thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới có thể tự định giá thương hiệu của mình, đại diện Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ.
Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng chính sách – Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) dẫn chứng từ một cuộc điều tra với 47 quốc gia trong khoảng thời gian từ tháng 1/2018 đến tháng 9/2021 cho hay tỷ lệ chi tiêu trực tuyến trong tổng chi tiêu toàn cầu tăng mạnh, nhất là thời điểm đỉnh dịch, khoảng 14,9%, trong khi trước thời điểm đó (2019) chỉ là 10,3%. Còn kết quả khảo sát thực tế của Bộ Công thương cho biết, có hơn 81% người tiêu dùng đã thay đổi hành vi mua sắm khi đại dịch bùng phát và hơn 90% cho rằng sẽ tiếp tục mua sắm qua thương mại điện tử. Số lượng khách hàng sử dụng hình thức giao dịch này cũng đang mở rộng ra ngoài phạm vi thành thị với tốc độ khá nhanh. Lượng người bán cũng tăng đột biến từ những đơn vị phi thành thị, tăng khoảng 40% vào năm 2021.
Có thể nhận thấy dưới tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, phương thức tiêu dùng và năng lực mua sắm có nhiều thay đổi, tạo đà cho lĩnh vực thương mại điện tử phát triển, và 61 triệu người dùng smartphone cũng là cơ sở để các chuyên gia thuộc Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) dự báo rằng quốc gia này sẽ là một thị trường phát triển thương mại điện tử nhanh nhất vào năm 2026 với doanh số 56 tỷ USD.
Tuy nhiên, với hơn 97% doanh nghiệp Việt Nam ở quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, khu vực kinh tế tư nhân sẽ đối mặt với rất nhiều thách thức để nắm bắt cơ hội với thương mại điện tử.
Bà Trần Như An, cố vấn năng lực cạnh tranh và Quản lý dự án IPSC (USAID) cho biết, dù có tiềm năng lớn nhưng hầu hết doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ chưa xây dựng được thương hiệu nên khó có thể cạnh tranh với đối thủ toàn cầu, chưa đáp ứng nhu cầu người dùng, chất lượng; thiết kế sản phẩm trong nước, không tạo sự khác biệt trong sản phẩm. Do đó cần đào tạo nâng cao năng lực các đơn vị, đầu tư hệ thống, năng lực kho bãi, giao thông vận tải, hệ thống thanh toán, bảo mật thông tin. Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) hiện có nhiều hoạt động hỗ trợ đối tượng yếu thế tiếp cận mạng lưới này.
Ông Mark Birnbaum, đại diện Dự án IPSC nhìn nhận, những thách thức nổi bật nhất tại Việt Nam là kiến thức và kỹ năng của các doanh nghiệp còn hạn chế, sử dụng và quản trị trang web cũng như các nền tảng thương mại điện tử; phát triển sản phẩm, quản lý dữ liệu, tiếp thị kỹ thuật số, hậu cần và thanh toán điện tử… còn chưa tốt. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu vốn đầu tư và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để đạt tới mô hình kinh doanh đầy đủ.
Nhận thấy kinh tế tư nhân ở Việt Nam là một khu vực trụ cột để thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế, đưa đất nước trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, IPSC đã thiết kế 5 gói dịch vụ hỗ trợ toàn diện phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ và đang phát triển bao gồm: Thích ứng và tăng trưởng, Mở rộng thị trường, Ứng dụng kinh doanh số, Nâng cao năng lực tài chính và Nâng tầm giá trị Việt. Mục tiêu của IPSC không dừng lại ở việc hỗ trợ phát triển kinh doanh sáng tạo và toàn diện, thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng công nghệ, bao gồm các công cụ chuyển đổi kỹ thuật số và thương mại điện tử, mà mong muốn giúp xây dựng một mạng lưới khu vực tư nhân mạnh mẽ tại Việt Nam, ông Mark Birnbaum cho biết thêm.
Hoạt động thương mại xuyên biên giới đang trở thành nhân tố cốt lõi của toàn cầu. Thị trường thương mại điện tử vì thế sẽ ngày càng mở rộng. Mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19, thương mại điện tử Việt Nam vẫn tăng trưởng và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2020 tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam là 18%, trở thành nước duy nhất trong Đông Nam Á có mức tăng trưởng 2 con số.
Là dự án quy mô lớn, IPSC hướng đến hỗ trợ 5.000 doanh nghiệp, trong đó có 60 doanh nghiệp tiên phong, 240 doanh nghiệp vươn ra quốc tế thành công. Đồng thời cũng hỗ trợ cả các tổ chức, doanh nghiệp tăng cường năng lực, gồm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh, hợp tác xã… với mục đích chính là hỗ trợ giải quyết vấn đề con người, công nghệ, kỹ thuật. Hy vọng các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để xây dựng thương hiệu của mình, đồng thời thúc đẩy doanh số, bù đắp lại quãng thời gian “đóng băng” trước đó, đại diện IPSC bày tỏ.
Hoạt động thương mại xuyên biên giới đang trở thành nhân tố cốt lõi của toàn cầu. Thị trường thương mại điện tử vì thế sẽ ngày càng mở rộng. Mặc dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19, thương mại điện tử Việt Nam vẫn tăng trưởng và hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á. Năm 2020 tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam là 18%, trở thành nước duy nhất trong Đông Nam Á có mức tăng trưởng 2 con số.
Theo Hữu An/Thời báo Ngân hàng