Sắp tới, Sở Công thương TP.HCM sẽ xin ý kiến đóng góp về cơ chế hỗ trợ nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó thực hiện tốt hơn vai trò tham gia điều phối, dẫn dắt thị trường và giữ giá bình ổn cho người dân…
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết tình trạng tăng giá hàng hóa tại các chợ truyền thống hiện nay chỉ là sự tăng giá cục bộ do giá chi phí đầu vào tăng. Tại các điểm bán lẻ hiện tại hàng hóa vẫn dồi dào, giữ giá ổn định, người dân khi mua hàng cần chọn các địa điểm mua hàng bình ổn giá để có giá cả hợp lý. Ông Phương cũng cho biết các doanh nghiệp có nhận các đề xuất về điều chỉnh tăng giá của nhà cung cấp nhưng đến nay chưa có đề nghị nào được các hệ thống phân phối xem xét điều chỉnh.
Theo đại diện AEON Việt Nam cho biết, đơn vị bán lẻ này đã nhận được đề xuất tăng giá từ một số nhà cung cấp khi giá xăng liên tục điều chỉnh. Các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô (gạo, mì, dầu ăn…) một số nhà cung cấp đề nghị tăng giá với mức tăng trung bình 5-10%. Tuy nhiên, đơn vị này đang nỗ lực đàm phán với nhà cung cấp để giữ nguyên mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng, đồng thời chấp nhận giảm biên độ lợi nhuận để đồng hành cùng khách hàng. Các mặt hàng tươi sống và đông lạnh một số đề xuất tăng giá đa phần cho các mặt hàng nhập khẩu do ảnh hưởng của sự thiếu hụt nhân công toàn thế giới, chi phí vận chuyển qua đường hàng không và đường biển cũng tăng cao, tác động đến giá cả hàng hóa trong dài hạn.
Đại diện Tập đoàn Central Retail cho biết đơn vị phải thương lượng giá hằng ngày với các đối tác để cùng đề xuất mức giá tốt nhất cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhằm hỗ trợ người tiêu dùng giảm bớt áp lực chi tiêu do những tác động từ việc tăng giá xăng dầu trong thời gian vừa qua, tại các siêu thị GO!, Big C, Tops Market thuộc Tập đoàn Central Retail Việt Nam sẽ áp dụng chương trình “Siêu tiết kiệm” – mua nhiều giảm nhiều… giảm giá đến 50% đối với 390 sản phẩm: thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng nhanh, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, thời trang… Dịp này, nhiều nhà cung cấp lớn của GO!, Big C như Vifon, Vinamilk, Kinh Đô… cũng hưởng ứng chương trình “Siêu tiết kiệm”.
Hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra cũng tổ chức giảm giá mạnh đến 50% cho hơn 3.000 sản phẩm nhu yếu. Chương trình được áp dụng từ ngày 17/3 đến hết ngày 30/3/2022 trên toàn quốc. Do mức thuế đã giảm từ 10% xuống còn 8% nên tại hệ thống siêu thị Co.op có hơn 10.000 sản phẩm thuộc nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, các sản phẩm thời trang may mặc và một số mặt hàng đồ dùng gia đình đã được áp dụng giá bán mới giảm 2% thuế VAT.
Theo ông Phương, từ nay đến cuối tháng 3 giá các mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm trong chương trình bình ổn thị trường tại kênh phân phối hiện đại sẽ được giữ ổn định. Tuy nhiên, dự kiến đến tháng 3, các doanh nghiệp có thể đề xuất việc điều chỉnh giá cả trên cơ sở chứng minh được chi phí đầu vào tăng. Bên cạnh đó, Sở Công thương sẽ dự kiến tình hình, đồng thời tham mưu với UBND thành phố giải pháp để tính toán hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp nhằm ổn định hơn chi phí đầu vào.
Trong khi đó, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP.HCM đề nghị: “Sắp tới, Sở Công thương TP.HCM sẽ xin ý kiến đóng góp về cơ chế hỗ trợ nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh, từ đó thực hiện tốt hơn vai trò tham gia điều phối, dẫn dắt thị trường và giữ giá bình ổn cho người dân”.
Theo Minh Lâm/Thời báo Ngân hàng