Các chuyên gia khuyến cáo, muốn đạt mục tiêu từ nay đến năm 2030, Việt Nam nằm trong top 10 trung tâm chế biến sâu của thế giới thì cần phải xây dựng và triển khai đồng bộ các cơ chế, giải pháp một cách hiệu quả hơn.
Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam chỉ có khoảng 20-30% nông sản thông qua chế biến để xuất khẩu. Thế nên việc đẩy mạnh khâu chế biến là rất cần thiết để tạo ra giá trị vượt bậc và tạo nhiều lợi ích hơn cho người sản xuất.
Lãnh đạo Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhấn mạnh, xuất khẩu trái cây tươi trong thời gian qua chịu ảnh hưởng rất nặng nề của dịch Covid-19 khi vận tải đường biển, hàng không rất khó khăn do giá cước tăng cao. Trong thời gian qua, container lạnh dùng để xuất khẩu trái cây tươi đến các thị trường xa như Mỹ, EU bằng vận tải đường biển tăng giá 5 – 6 lần nhưng cũng không có để thuê. Khi xuất khẩu tươi không được thì nhiều doanh nghiệp buộc phải chuyển hướng đầu tư làm sản phẩm chế biến. Lợi thế của trái cây chế biến là cho ra nhiều dòng sản phẩm đa dạng, tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng và đặc biệt là phù hợp với kênh bán hàng online trong điều kiện dịch Covid-19.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông – lâm – thủy sản là trên 10.000. Tuy nhiên, đa phần trong số này là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn cũng cho biết, hầu hết công nghệ của các doanh nghiệp chuyên chế biến nông, lâm, thủy sản đã “truyền đời” qua 3 – 4 thế hệ, rất lạc hậu; 73% số nhà xưởng tạm bợ, chắp vá; chỉ 1%-5% sản phẩm làm ra đạt chất lượng quốc tế; chỉ có 8%-15% số doanh nghiệp đăng ký chất lượng sản phẩm… Số liệu thống kê cũng cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông – lâm, thủy sản còn rất thấp và trình độ công nghệ lạc hậu, năng lực chuyên môn thấp. Đây thực sự là nút thắt và cần sự chuyển đổi đối với ngành nông nghiệp.
Do tác động của dịch Covid-19, trong năm 2021 cơ cấu chủng loại hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam đã có sự dịch chuyển rõ rệt. Cụ thể, trong khi chủng loại hàng quả và quả sạch giảm tỷ trọng xuất khẩu, thì sản phẩm chế biến lại tăng. Qua đó, các chuyên gia lưu ý rằng, sản xuất nông sản chế biến rất cần nỗ lực tiếp tục đầu tư cho công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch và phát triển logistics phục vụ vận chuyển rau quả. Việc đẩy mạnh đầu tư cho chế biến sẽ giúp ngành hàng rau quả tăng cao giá trị xuất khẩu.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, tỷ lệ rau quả chế biến có sự tăng trưởng đột biến. Năm 2019, giá trị rau quả chế biến xuất khẩu chỉ chiếm 15%. Trị giá xuất khẩu chủng loại hàng rau quả chế biến trong năm 2021 chiếm 25,3% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả, tăng 1,5 điểm phần trăm so với năm 2020 “Dự báo năm nay, giá trị xuất khẩu sản phẩm rau, quả chế biến đạt trên 50%, khi trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong ngành đã chuyển hướng đầu tư mạnh vào công nghệ chế biến”, ông Nguyên nói.
Là doanh nghiệp đi đầu trong chế biến nông sản, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit nhận định, ngành nông nghiệp Việt Nam có lợi thế về nguồn nguyên liệu nông, lâm, thủy sản rất lớn, nhưng chúng ta chưa biết cách làm gia tăng giá trị. Theo ông Viên, để làm tăng giá trị nông sản, các doanh nghiệp phải tính toán để hướng chế biến vào những thực phẩm “thay đổi sự sống” (ăn để phòng và trị bệnh), sản xuất nông nghiệp theo hướng “du lịch canh nông”, sản xuất hữu cơ và đưa công nghệ chế biến sâu để tăng giá trị.
Các chuyên gia cũng cho rằng trong năm nay, với nhu cầu sử dụng rau quả chế biến đang tiếp tục gia tăng trên toàn cầu do ảnh hưởng của Covid-19, ngành rau quả Việt Nam sẽ tiếp tục chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng sản phẩm chế biến. Và ngành nông nghiệp nên tập trung vào lĩnh vực cơ giới hóa, công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch trong thời gian tới. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, muốn đạt mục tiêu từ nay đến năm 2030, Việt Nam nằm trong top 10 trung tâm chế biến sâu của thế giới thì cần phải xây dựng và triển khai đồng bộ các cơ chế, giải pháp một cách hiệu quả hơn.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã khẳng định: “Phải tăng tỷ trọng nông sản được sơ chế, bảo quản, chế biến để vừa tạo ra giá trị gia tăng cao, vừa hạn chế rủi ro thị trường khi chỉ bán nguyên liệu thô”.
Theo Minh Lâm/Thời báo Ngân hàng