Thị trường chứng khoán trong nước ngày 25/2 có phiên phục hồi nhờ hiệu ứng từ các thị trường chứng khoán trên thế giới, bên cạnh đó tâm lý nhà đầu tư cũng tích cực nhờ dòng tiền vào bắt đáy ở phiên chiều qua. Đã có thời điểm chỉ số VN-Index tăng và lấy lại toàn bộ số điểm đã mất trong phiên hôm qua, tuy vậy sức ép từ nhóm cổ phiếu lớn trong rổ VN30 đã khiến đà tăng của thị trường bị thu hẹp trong phiên chiều.
Đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng 4,04 điểm (+0,27%) lên 1.498,89 điểm, bên cạnh đó chỉ số VN30 cũng tăng 4,46 điểm (+0,29%) đạt 1.526,5 điểm.
Độ rộng thị trường nghiêng về bên mua, toàn thị trường có 324 mã tăng/126 mã giảm, ở rổ VN30 có 14 mã tăng/13 mã giảm. Nhóm Midcap và Smallcap cũng phục hồi, lần lượt tăng 1,14% và 1,09%.
Các cổ phiếu lớn đã hỗ trợ thị trường phiên này là: VPB (+3,52%), EIB (+3,87%), GEX (+4,45%), GVR (+0,89%), TPB (+1,7%)… đã bù đắp áp lực giảm giá ở các cổ phiếu khác như: VIC (-1,25%), GAS (-1,51%), MSN (-0,94%), VJC (-1,96%), VHM (-0,38%)…
Thanh khoản khớp lệnh sàn HSX còn 24.595 tỷ đồng so với mức 34.065 tỷ đồng ở phiên bắt đáy ngày hôm qua. Tổng cộng có 736 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng thành công so với mức bình quân 734 triệu cổ phiếu 10 ngày trước đó.
Khối ngoại bán ròng 77,26 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực bán tập trung tại các cổ phiếu như HPG, VND, CTG, NVL, E1VFVN30… Ở chiều ngược lại, DXG, STB, NLG, KBC, DGC… là những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong phiên này.
Công ty CP Chứng khoán MBS cho biết, thị trường phiên này để mất ngưỡng tâm lý 1.500 điểm khi nhóm cổ phiếu dầu khí bị chốt lời đã gây sức ép lên một số cổ phiếu bluechip trong rổ VN30. Tuy vậy, độ rộng thị trường vẫn rất tích cực khi bình quân cứ 3 cổ phiếu tăng mới có 1 cổ phiếu giảm trên sàn HSX.
Áp lực từ nhóm cổ phiếu bluechip đã khiến dòng tiền dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Nhiều khả năng nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền trong tuần sau khi các tín hiệu kỹ thuật đang ủng hộ cả 2 nhóm này bứt phá khỏi vùng tích lũy 5 phiên vừa qua.
“Chúng tôi cho rằng yếu tố rủi ro lúc này vẫn đến từ sự bất định từ thị trường quốc tế… Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index vẫn đang được hỗ trợ bởi các đường MA50, MA100… Do vậy, xu hướng thị trường vẫn còn nhiều khả năng để hướng về đỉnh cũ 1.536 điểm hoặc có thể đạt mục tiêu ở trong xu hướng tăng này ở 1.560 điểm”, đại diện MBS nhận định.
Dưới góc nhìn của mình, Công ty CP Chứng khoán BOS cho biết, thị trường mở cửa với tâm lý tích cực lan tỏa từ chứng khoán Mỹ đêm qua giúp điểm số tăng gần 10 điểm ngay sau phiên ATO. Tới phiên chiều, lực bán xuất hiện ở nhiều nhóm ngành, đặc biệt là tại nhóm ngân hàng, dầu khí khiến điểm số sụt giảm và kết phiên chỉ tăng 4,04 điểm lên 1.498,89 điểm… Trong đó, VIC, GAS, MSN là 3 cái tên gây giảm điểm nhiều nhất cho thị trường. PVD, PVS, PVX… cũng đóng cửa trong sắc đỏ. Một số nhóm vẫn duy trì được mức tăng cao trong ngày là xây dựng, vận tải, hóa chất và chứng khoán với những cái tên tiêu biểu như TLD, LBM, VST, VNA, SFI, CSV, AAS, CTS. Nhóm ngân hàng chỉ còn VPB là cái tên nổi bật khi mã này tăng 3,52%, đóng góp tích cực nhất cho chỉ số chung.
Nhận định thị trường cơ sở, BOS cho biết: “Về kỹ thuật, việc VN-Index bị cản trở bởi ngưỡng 1.512 điểm là điều không quá bất ngờ khi đây là ngưỡng kháng cự ngắn hạn của vùng giá đi ngang kéo dài hơn 3 tuần gần đây. Điểm số đóng cửa thấp hơn mức mở cửa tạo cây nến giảm nhưng vẫn nằm trọn trong vùng đi ngang. Các đường MA20, MA50 sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho chỉ số trong những phiên tới quanh mức 1.490 điểm. Trong khi các chỉ báo MACD, RSI, MFI chưa cho tín hiệu mới đáng chú ý nào”.
Theo Quốc Tuấn/Thời báo Ngân hàng