Sức ép lạm phát từ giá xăng dầu có thể kéo giảm triển vọng tăng trưởng năm 2022

Không chỉ tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Trong phiên giao dịch hôm nay (24/2), giá dầu thô Brent (được xem là tiêu chuẩn cho giá dầu thế giới) đã chạm mức 102,48 USD/thùng. Đây là lần đầu tiên giá dầu Brent vượt mốc 100 USD/thùng kể từ tháng 9/2014. Giá dầu không ngừng leo thang khiến nhiều chuyên gia lo ngại sẽ làm gia tăng sức ép tới lạm phát và tác động tiêu cực tới tăng trưởng.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 0,19% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 1 tăng 1,94%; lạm phát cơ bản tăng 0,66%.

Nhiều chuyên gia lo ngại giá dầu tăng sẽ làm gia tăng sức ép tới lạm phát và tác động tiêu cực tới tăng trưởng.
Nhiều chuyên gia lo ngại giá dầu tăng sẽ làm gia tăng sức ép tới lạm phát và tác động tiêu cực tới tăng trưởng

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (GSO), kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài, nguồn này chiếm khoảng 37% tổng chi phí nguyên vật liệu của cả nền kinh tế. Vì vậy, việc giá dầu thế giới vẫn trên đà tăng không ngừng sẽ làm tăng giá nguyên vật liệu nhập khẩu và trong nước.

Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hoá trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế.

Theo TS. Cấn Văn Lực, việc tăng chi phí nhập khẩu xăng dầu sẽ kéo theo tăng nhập siêu mặt hàng này. Với đà tăng của giá dầu thô và giá xăng dầu thành phẩm thế giới sẽ khiến thâm hụt thương mại về xuất nhập khẩu xăng dầu gia tăng.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho biết, yếu tố đầu vào là giá xăng dầu có tác động trực tiếp và gián tiếp đến mọi ngành kinh tế, từ các ngành ảnh hưởng trực tiếp như hàng không, phương tiện giao thông vận tải… cho đến ảnh hưởng gián tiếp như hoạt động sản xuất và tiêu dùng nào cần chuyên chở hay phân phối nguyên vật liệu, hàng hóa. Giá xăng dầu tăng chắc chắn tác động đến mặt bằng giá chung tăng, làm tăng áp lực lạm phát trong nước.

Cũng theo PGS.TS Ngô Trí Long, lạm phát tăng cao ở một số trường hợp đặc biệt có thể đi đôi với tăng trưởng mạnh lên nhưng trong trường hợp này, nếu lạm phát tăng cao do giá dầu tăng thì chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng theo chiều hướng tiêu cực.

Theo các chuyên gia, khi giá dầu thô đạt 100 USD mỗi thùng là sẽ tác động lớn tới doanh nghiệp nhất là lĩnh vực vận tải, sản xuất sử dụng xăng, dầu làm nguyên nhiên liệu đầu vào. Số liệu của cơ quan thống kê cho thấy, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,4 – 4% tổng chi phí sản xuất nền kinh tế. Rõ ràng, xăng dầu chiếm tỷ trọng khá cao và tác động mạnh vào giá thành sản phẩm sản xuất.

Với các lĩnh vực, ngành sử dụng nhiều xăng dầu như vận tải, hàng không, đánh bắt thuỷ sản… giá xăng dầu tăng sẽ tác động rất mạnh. Riêng lĩnh vực vận tải, chi phí xăng dầu là 35-40%.

Còn với các doanh nghiệp lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, lọc hoá dầu như PVOil, Petrolimex, Công ty cổ phần lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR, đơn vị quản lý nhà máy lọc dầu Dung Quất) hay Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGAS)… kết quả kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng.

Ngoài tác động trực tiếp đẩy giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo giá hàng hoá đi lên, tạo áp lực lên lạm phát. Giá xăng dầu tăng trực tiếp làm tăng CPI, ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Giá hàng hoá tăng quá cao sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá sản xuất trong nước, tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm tính toán, giá xăng dầu tăng khoảng 10% sẽ làm GDP giảm 0,5%, còn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,36 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, khi giá xăng dầu cao quá sẽ làm vô hiệu hoá một số chính sách tài khóa (như giảm 2% thuế VAT) để kích thích tiêu dùng trong chương trình phục hồi kinh tế. Vì vậy, nếu diễn biến giá thế giới vẫn leo thang, khi công cụ điều hành là Quỹ bình ổn giá xăng dầu có hạn, liên Bộ Công Thương – Tài chính có thể sẽ phải tính tới công cụ khác là thuế, phí.

Lạc quan hơn, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú thì cho rằng, việc Việt Nam chịu áp lực lạm phát cao không có gì là lạ, đặc biệt là áp lực lạm phát không chỉ đến từ giá dầu mà còn nhiều yếu tố khác nữa.

Tuy nhiên, theo ông Phú, lạm phát trong năm 2022 sẽ có khả năng chỉ dao động trong khoảng 2,7-3,5% nếu Việt Nam giải quyết tốt các vấn đề.

Trước hết là vấn đề về năng lượng, nguyên vật liệu. Sản xuất kinh doanh dịch vụ ở Việt Nam còn phụ thuộc khá lớn vào năng lượng, nguyên nhiên vật liệu, phụ liệu của các nước khác đặc biệt là các ngành như điện tử, dệt may, da giày, nhựa, sắt thép, hóa chất… Điều này gây bất lợi cho Việt Nam khi giá năng lượng, nguyên nhiên vật, liệu… tăng lên.

Cũng theo ông Phú, trước việc giá dầu tăng như hiện nay thì chúng ta cần phải khắc phục những khó khăn ở trên bằng cách từng bước chủ động dự trữ năng lượng, tìm kiếm những nguyên vật liệu, phụ liệu ở trong nước cũng như ở các nước khác để tránh phụ thuộc vào một vài quốc gia.

Khẩn trương kết nối lại các chuỗi cung ứng phục vụ cho xuất nhập khẩu, hàng hóa, nguyên vật liệu và tiêu thụ ở thị trường nội địa, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, giảm bớt các chi phí vận chuyển, logictics nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt ngay tại thị trường nội địa nhằm giảm bớt áp lực lạm phát.

Theo An Nam/Chất lượng&Cuộc sống