Kiểm tra, xử lý kịp thời hành vi buôn bán kit test COVID-19 không rõ nguồn gốc xuất xứ

Tổng cục Quản lý Thị trường cho biết sẽ tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng nhằm kiểm tra, xử lý kịp thời hành vi kinh doanh các bộ kit test COVID-19 không được Bộ Y tế cấp phép hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 trong cộng đồng tại Hà Nội tăng nhanh kéo theo sức tiêu thụ một số thiết bị y tế cũng tăng. Trước nhu cầu đó, giá bộ test kháng nguyên COVID-19, máy đo nồng độ ô xy trong máu SpO2 tăng đột biến; đồng thời trên mạng xã hội bán tràn lan mặt hàng này khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng…

Khảo sát một số nhà thuốc quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình… cho thấy, hiện trên thị trường đang lưu hành nhiều loại kit test nhanh có mức giá khác nhau tùy thuộc vào nơi sản xuất như Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc…

Tại hệ thống nhà thuốc Long Châu, bộ kit test RapidFor xuất xứ Thổ Nhĩ Kỳ được bán với giá 85.000 đồng/bộ, bộ kit test Humasis COVID-19 Ag Home Test do Hàn Quốc sản xuất có giá 110.000 đồng/bộ.

Tại hệ thống nhà thuốc Pharmacity, 1 hộp kit test nhanh Humasis COVID-19 Ag Home Test (5 kit) được chào bán 525.000 đồng/hộp (tương ứng 105.000 đồng/bộ), 1 bộ kit test Biocredit COVID-19 Ag xuất xứ Hàn Quốc có giá 68.000 đồng/bộ (bán lẻ), nếu mua cả hộp được giảm giá xuống 65.000 đồng/bộ…

Lý giải giá bán kit test có sự chênh lệch, đại điện các cửa hàng kinh doanh thuốc có chung ý kiến, mức giá khác nhau giữa các cửa hàng phụ thuộc khá nhiều vào chi phí thuê mặt bằng kinh doanh. Ngoài ra cũng tùy thuộc số lượng hàng nhập. Cửa hàng nào nhập với số lượng lớn thì mức giá sẽ thấp hơn cửa hàng mua số lượng ít.

Bộ test nhanh COVID-19 không chỉ được bán tại các cửa hàng thuốc mà còn được đăng bán nhiều trên mạng xã hội facebook, với nhiều chủng loại và giá khác nhau, gây khó khăn cho người dân khi mua và sử dụng. Cụ thể, bộ kit Humasis COVID 19 Ag Home Test cũng đang loạn giá. Trên một sàn thương mại điện tử, loại kit test này dao động từ 90-115 nghìn đồng/bộ, thậm chí có nơi bán tới 139.000 đồng/bộ. Mua nguyên hộp 25 bộ kit có giá 93.000 đồng/bộ. Còn khảo sát tại các nhà thuốc, giá kit test Humasis niêm yết ở mức 110.000 đồng/bộ.

Tại Hà Nội, giá nhập buôn bộ kit test BioCredit Covid-19 Ag của Hàn Quốc cách đây vài tháng chỉ 45.000 đồng/bộ, sau đó lên 50.000 đồng/bộ. Nhưng từ sau tết giá tăng liên tục, bán buôn tới 65.000 đồng/bộ. Giá kit test nguồn gốc Trung Quốc trước tết cũng chênh lệch từ 35.000 – 39.000 đồng/bộ, hiện đã lên tới gần 60.000 đồng/bộ.

Liên quan tới vấn đề trên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, trước việc giá một số thiết bị y tế (bộ test kháng nguyên COVID-19, máy đo nồng độ ô xy trong máu SpO2) tăng cao đột biến, một số loại thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 chưa được cấp phép lưu thông trên thị trường, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã có công văn hỏa tốc yêu cầu các Đội Quản lý thị trường tăng cường nắm bắt thông tin theo lĩnh vực, địa bàn; kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong hoạt động sản xuất, buôn bán khẩu trang, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch, hỗ trợ điều trị COVID-19 (gồm các bộ test nhanh kháng nguyên COVID-19, thiết bị đo nồng độ ô xy, các loại thuốc hỗ trợ, điều trị COVID-19…).

Giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng dịch COVID-19 để đầu cơ, găm hàng, tăng giá hàng hóa, định giá mua, bán bất hợp lý các mặt hàng là vật tư, trang thiết bị y tế; buôn bán thuốc hỗ trợ, điều trị COVID-19 chưa được phép lưu hành, sử dụng; đồng thời chủ động, phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh và cộng đồng trong phòng, chống dịch COVID-19.

Cục Quản lý thị trường Hà Nội yêu cầu hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm không được làm ảnh hưởng đến sản xuất, lưu thông hàng hóa trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19.

Nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng mạng xã hội để buôn bán kit test COVID-19, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) Nguyễn Đức Lê cho biết, Tổng cục Quản lý thị trường đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố yêu cầu những đơn vị này chủ động phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường quản lý, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết;

Đồng thời, tập trung kiểm tra các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán bất hợp lý đối với các loại hàng hóa thiết yếu đặc biệt là trang thiết bị, vật tư y tế dùng để phòng dịch COVID-19; đẩy mạnh giám sát hoạt động thương mại điện tử của các tổ chức cá nhân trên sàn giao dịch cũng như trên website, mạng xã hội.

“Nếu phát hiện hiện tượng kinh doanh các bộ kit test không được Bộ Y tế cấp phép hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, Tổng cục Quản lý thị trường sẽ kết hợp các cơ quan chức năng như công an, y tế xử lý kịp thời”, ông Nguyễn Đức Lê khẳng định.

Theo Phong Lâm/Vietq.vn