Việt Nam sắp có vaccine phòng dịch tả lợn châu Phi

Đây là sự kiện mang tính lịch sử, bởi trong hơn 100 năm qua, ngành Thú y Việt Nam nói riêng và ngành Thú y thế giới nói chung vẫn đang nghiên cứu để tìm ra vaccine phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Hiện đang có 3 doanh nghiệp cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Thú y cùng triển khai nghiên cứu vaccine dịch tả lợn châu Phi đảm bảo đồng bộ về nhiều mặt như về giống, môi trường.

viet nam sap co vaccine phong dich ta lon chau phi
Ảnh minh họa

Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Chúng tôi đã triển khai kiểm nghiệm và khảo nghiệm, tuy nhiên đã bị chậm gần 1 năm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đến nay, các cơ quan hữu quan đang triển khai khảo nghiệm vaccine này tại 2 cơ sở phía Bắc và phía Nam. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo các cơ quan hoàn thiện hồ sơ để chuẩn bị công bố vaccine vào khoảng cuối quý I hoặc đầu quý II/2022. Vaccine được công bố sẽ có hiệu quả tiêm rất cao và tạo ra đột phá cho ngành chăn nuôi lợn của Việt Nam trong thời gian tới. Chúng ta có niềm tin vì khi kết quả được công bố với các phương pháp nghiên cứu hiện đại. Các chỉ tiêu được theo dõi tỉ mỉ qua 5 đến 6 lần khẳng định đáp ứng miễn dịch rất cao”.

Ông Trần Xuân Hạnh – Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương (Navetco) cho biết, việc nghiên cứu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi của công ty đến nay đã được Cục Thú y khảo nghiệm xong, được hội đồng chuyên ngành của Cục Thú y thông qua. Công ty đang gấp rút hoàn chỉnh để nộp hồ sơ trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Dự án nghiên cứu vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi đã thu được những kết quả khoa học và thực tiễn quan trọng. Kết quả thu được cho thấy, với chủng virus dịch tả lợn châu Phi G-delta I 177L, vaccine an toàn trên lợn khi sử dụng liều cao (gấp 104 lần so với liều miễn dịch tối thiểu), cho mức độ bảo hộ 100%. “Qua đánh giá 6 lô vaccine sản xuất thử nghiệm, tất cả 6 lô đều đạt yêu cầu với 100% lợn tiêm vaccine được bảo hộ và 100% lợn đối chứng chết do virus dịch tả lợn châu Phi cường độc gây ra. Kết quả ghi nhận khả năng kích thích sinh miễn dịch tốt của chủng virus vaccine và chứng tỏ có sự tương đồng kháng nguyên bảo hộ giữa chủng virus vaccine và virus dịch tả lợn châu Phi cường độc lưu hành và gây bệnh dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn nuôi tại nước ta từ năm 2019 đến nay”, ông Trần Xuân Hạnh chia sẻ.

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn DABACO, từ tháng 10/2021, các chuyên gia đã tiến hành thử nghiệm vaccine trên đàn lợn để đánh giá độ an toàn, độc lực và hiệu quả của vaccine. Theo ông Vũ Đăng Đồng – Giám đốc Trung tâm chẩn đoán thú y DABACO, thử nghiệm hiện tại được đánh giá là an toàn với đàn lợn thí nghiệm, lợn không có triệu chứng bất thường sau thời gian 7, 14, 21 ngày tiêm. Do đó, bước đầu có thể nhận định, đây sẽ là một sinh phẩm vaccine an toàn, hiệu quả để phòng dịch tả lợn châu Phi trong tương lai gần.

Việc sớm có vaccine phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi sẽ góp phần phát triển chăn nuôi lợn bền vững, đặc biệt là những hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, rất khó khăn trong việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học. Hiện các doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu, quy trình để khi được cấp phép, doanh nghiệp có thể sản xuất ngay.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, tổng đàn gia cầm cả nước đạt 515 triệu con, lợn 28 triệu con, bò 6,5 triệu con. Trong đó, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 3.154 xã, thuộc 60 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy gần 289 nghìn con lợn, cao gấp 3,2 lần so với năm 2020. Từ đầu năm 2022 đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 321 xã của 31 địa phương, buộc tiêu hủy 19.628 con lợn.

Theo Diệu Linh/Thời báo Ngân hàng