Kết thúc năm tài chính 2021, doanh nghiệp cảng biển đồng loạt báo lãi ấn tượng bấp chấp dịch Covid-19 gây ra sự mất cân bằng nghiêm trọng trên thị trường vận tải, đẩy giá cước tàu container tăng cao kỷ lục.
Lợi nhuận khả quan năm 2021
Báo cáo sơ kết kết quả kinh doanh hợp nhất cả năm 2021, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) ước đạt doanh thu ở mức 19.604 tỷ đồng, tăng 124% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ước đạt 3.750 tỷ đồng, hoàn thành 554% kế hoạch năm.
Với kết quả này, VIMC đã có những bước “lột xác” ngoạn mục khi từ thua lỗ trong năm 2020 đã bứt phá lãi hàng nghìn tỷ đồng trong năm 2021 và lấy lại hình ảnh là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng hải.
Hiện VIMC đang quản lý hầu hết cảng biển lớn trên cả nước như Cảng Quy Nhơn, Cảng Cam Ranh, Cảng Hải Phòng, Cảng Đà Nẵng… Các doanh nghiệp cảng biển này đều ghi nhận kết quả tăng trưởng tích cực trong năm vừa qua.
Một số cảng thuộc tổng công ty thông báo vượt kế hoạch lợi nhuận năm qua như Cảng Sài Gòn đạt 852 tỷ đồng (vượt hơn 214%), Cảng Hải Phòng đạt hơn 732 tỷ đồng (vượt 9%) hay Cảng Quy Nhơn lãi trước thuế 392 tỷ đồng, vượt hơn 145% kế hoạch và gấp 3 lần cùng kỳ nhờ khai thác hàng siêu trường siêu trọng nhờ đó doanh thu khai thác cảng tăng 81%.
Một công ty con khác thuộc VIMC là Cảng Đà Nẵng (HNX: CDN) cũng báo lãi kỷ lục trong năm 2021 với mức lợi nhuận sau thuế hơn 238 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước.
Đơn vị chuyên khai thác hàng tổng hợp tại Nam Trung Bộ là Cảng Cam Ranh (UPCoM: CCR) cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Cả năm, doanh thu đạt 195 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức gần 42 tỷ đồng, lần lượt tăng gần 41% và 77% so với năm 2020.
Cảng Đình Vũ (HoSE: DVP) ghi nhận doanh thu đạt 608,6 tỷ đồng, tăng 17,4% so với năm 2020, trong khi đó tỉ lệ tăng chi phí vốn là 7,6% dẫn đến lợi nhuận gộp còn 319,4 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp đạt 52,5%.
Cảng Đồng Nai (HoSE: PDN) cả năm 2021, doanh thu thuần vẫn tăng 12% đạt 892 tỷ đồng; lãi sau thuế gần như tương đương cùng kỳ, ở mức 161 tỷ đồng. Công ty này hoạt động chính trên khu vực các tỉnh phía Nam như Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP HCM…
Bức tranh lợi nhuận nhóm cảng biển nhìn chung khả quan trong năm qua, song vẫn tồn tại một số doanh nghiệp ghi nhận kết quả kém hơn.
Cảng Cát Lái (HoSE: CLL) báo lợi nhuận sau thuế công ty mẹ giảm 10%, về gần 83 tỷ đồng trong năm qua. Công ty chuyên cung ứng dịch vụ cảng biển, xếp dỡ và cho thuê phương tiện thiết bị tại cảng Tân Cảng – Cát Lái (TP Thủ Đức, TP.HCM).
Một doanh nghiệp kinh doanh trên địa bàn Hải Phòng là Cảng Đoạn Xá (HNX: DXP) cũng báo kết quả kinh doanh giảm trong năm qua. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận giảm lần lượt 19% và 5% về 87 tỷ và 54 tỷ đồng.
Năm 2022 vẫn đối mặt với rủi ro tắc nghẽn
Dự báo về ngành cảng biển năm 2022, Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho rằng, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển sẽ ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực và đạt 840 triệu tấn (tăng trưởng 19% so với năm ngoái) nhờ độ phủ vaccine rộng, đặc biệt tại các thành phố lớn. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa được khôi phục và nhiều khả năng sẽ không có thêm một đợt phong tỏa quy mô lớn trong năm 2022 dù sự lây nhiễm của dịch bệnh có thể chưa hoàn toàn chấm dứt.
Ngoài ra, giá cước vận tải hạ nhiệt hơn sẽ là động lực lớn cho hoạt động xuất khẩu năm nay, đặc biệt ở nhóm thủy sản, nông sản và gỗ. Trên cơ sở đó, năm 2022 được đánh giá vẫn sẽ là một năm thuận lợi đối với các doanh nghiệp cảng biển.
SSI Research nhận định sản lượng hàng qua cảng sẽ cải thiện hơn trong năm nay nhờ hoạt động sản xuất phục hồi trở lại sau khi nới lỏng giãn cách xã hội. Tốc độ tăng trưởng ước đạt mức trung bình trong nửa đầu năm và tăng tốc trong nửa cuối năm.
SSI Research kỳ vọng tốc độ tăng trưởng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển năm 2022 khoảng 10 – 20% do hoạt động sản xuất phục hồi. Trong đó, các cảng biển nước sâu còn dư công suất nên có thể tăng trưởng cao hơn.
Ngoài ra, việc tăng dần giá dịch vụ cảng biển để tiến tới ngang tầm các nước trong khu vực ASEAN là mục tiêu chiến lược của các cảng biển Việt Nam. SSI Research dự báo việc tăng giá 10% có thể sẽ được thực hiện trong năm nay nếu tình hình dịch Covid-19 được cải thiện.
Tuy nhiên, SSI Research cũng cảnh báo rằng tình trạng tắc nghẽn cảng trên toàn cầu và năng lực vận chuyển container hạn chế khó có thể giải quyết trong ngắn hạn.
Ở thời điểm đầu năm 2022, sự gián đoạn chuỗi cung ứng được đánh giá đang ở mức đỉnh điểm, với thời gian vận chuyển hàng hóa kéo dài kỷ lục, số lượng tàu lớn chờ đợi tại các cảng, tình trạng thiếu tài xế xe tải, khung trọng tải và kho bãi. Tất cả những sự mất cân bằng về cung và cầu này sẽ mất vài tháng để giải quyết.
Các chuyên gia phân tích của SSI Research theo đó dự báo tình hình có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn bởi chính sách “Không COVID” của Trung Quốc và vì vậy tình trạng tắc nghẽn nhiều khả năng sẽ chưa thể giảm bớt, ít nhất là tới quý 2 năm 2022.
Bộ Công thương trước đó cũng dự báo chuỗi cung ứng trên toàn cầu sẽ còn tiếp tục đối mặt với rủi ro tắc nghẽn đến cuối năm 2022.
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương) thì thực tế chỉ ra rằng việc 95% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào 38 hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam cũng như chi phí logistics cao đột biến đang gây sức ép và làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới.
Chuyên gia dự đoán những khó khăn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ giảm dần từ cuối quý 1/2022. Sang 2023, khi quy mô đội tàu vận tải của các hãng tàu tăng trưởng 20% như kế hoạch, cũng như mục tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng cảng của các thị trường lớn được thực hiện, dự kiến hoạt động vận tải biển sẽ trở lại bình thường.
Theo Bảo Phương/Chất lượng&Cuộc sống