Theo Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019 của Tập đoàn Bảo Việt, do chi phí hoạt động gia tăng 23% ở mức 320 tỉ đồng cùng với chi phí dự phòng rủi ro tăng cao tới 121,6 tỉ đồng, nên lợi nhuận trước thuế của BaoVietBank trong nửa đầu năm nay chỉ đạt 11,2 tỉ đồng, giảm 53% và lãi sau thuế đạt 10,5 tỉ đồng, giảm 42%.
Vào thời điểm 30/6/2019, tổng tài sản của ngân hàng cũng giảm hơn 3.700 tỉ đồng xuống mức 52.159 tỉ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng giảm 0,02% đạt 24.980 tỉ đồng. Huy động tiền gửi của khách hàng tăng 5% lên 28.554 tỉ đồng. Nợ xấu giảm tích cực xuống chỉ còn 992,9 tỉ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng hiện đang nắm giữ giá trị 1.664 tỷ đồng trái phiếu VAMC, trong đó đã trích lập gần 926,4 tỉ đồng.
Liên quan tới sở hữu cổ đông, ngày 19/9 vừa qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC đã thông qua Nghị quyết về việc hoàn tất việc thoái vốn tại BaoVietBank. Chủ trương thoái vốn khỏi ngân hàng đã được đưa ra từ năm 2010 nhằm “bóc tách” sở hữu chéo.
Được biết, CMC là một trong các cổ đông sáng lập ngân hàng này vào năm 2009 với sở hữu cổ phần 9,9% vốn điều lệ. Cổ đông lớn nhất là Tập đoàn Bảo Việt nắm 52%, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam là 8%.
Trong khi đó, Tập đoàn Bảo Việt từng sở hữu 5,04% vốn điều lệ của CMC. Sau khi Bảo Việt phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho Samsung SDS Asia Pacific thì tỷ lệ sở hữu của tập đoàn tại CMC giảm xuống còn 3,78% và không còn là cổ đông lớn.
Theo kế hoạch đề ra từ năm 2018, Tập đoàn Bảo Việt sẽ tiến hành lộ trình giảm vốn tại Ngân hàng Bảo Việt từ hơn 49% xuống còn 15% để đảm bảo đúng theo quy định của Luật Tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, cho đến giai đoạn 6 tháng đầu năm 2019, Tập đoàn Bảo Việt vẫn sở hữu 49,52% cổ phần của Ngân hàng Bảo Việt.
Với việc hoạt động không mang lại nhiều hiệu quả như giai đoạn đầu năm 2019, nhiều người đặt ra câu hỏi về vấn đề sử dụng nguồn vốn nhà nước của Hội đồng quản trị của Tập đoàn này đối với các kênh đầu tư đang thực hiện.
Trong khi đó, hoạt động của các công ty mà Tập đoàn Bảo Việt liên kết cũng không mấy sáng sủa. Đơn cử như trường hợp của Công ty Cổ phần đầu tư SCIC – Bảo Việt. Đối với đơn vị này, Tập đoàn Bảo Việt nắm giữ 50% cổ phần với giá trị khoảng 70 tỷ đồng. Điều đáng nói là Công ty Cổ phần đầu tư SCIC – Bảo Việt gây lùm xùm với hàng loạt các dự án khủng đắp chiếu.
Điển hình là dự án Tháp tài chính quốc tế IFT trên lô đất 13.000m2 số 220 Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, có tổng vốn đầu tư khoảng 3.800 tỷ đồng. Theo Báo cáo tài chính quý III/2018 của Tập đoàn Bảo Việt, Tập đoàn đã góp gần 119 tỷ đồng vào dự án nhưng cho đến nay đây là vẫn chỉ án binh bất động chưa thấy dấu hiệu gì về việc triển khai.
Bên cạnh đó, là dự án Xây văn phòng cho các hiệp hội Hà Nội (tên thương mại Seven Star) tại lô đất D27 2,2ha quận Cầu Giấy. Dự án này được chỉ định cho liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt (Công ty con của Tập đoàn Bảo Việt), Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long và Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O thực hiện theo hình thức BT từ năm 2011. Tổng mức đầu tư dự án là 4.436,790 tỷ đồng.
Trong đó, tổng mức đầu tư dự án BT là 1.090,527 tỷ đồng, tổng mức đầu tư các dự án đối ứng là: 3.346,262 tỷ đồng. Dù đã hơn 7 năm trôi qua, dự án này vẫn nằm trên giấy, chưa có dấu hiệu liên danh chủ đầu tư triển khai dự án.
Với những hoạt động không mấy sáng sủa như thế này, dư luận và giới chuyên môn đặt ra những vấn đề về việc hiệu sử dụng nguồn vốn nhà nước tại Tập đoàn Bảo Việt và lo lắng về việc có thể xảy ra sự thất thoát lớn tại đơn vị này.
Vài năm trước, dư luận xôn xao về việc một vị Phó Chủ tịch của Ngân hàng Bảo Việt từng có tiền án, khai trừ khỏi Đảng nhưng vẫn bổ nhiệm vào vị trí quan trọng của đơn vị này.
|
Theo PV/Tầm nhìn