Mặc cho Bộ Công thương cho hay vẫn đảm bảo nguồn cung, hàng loạt cửa hàng xăng dầu ở ĐBSCL và nhiều nơi khác treo bảng nghỉ bán, hết hàng, bán nhỏ giọt hoặc đối phó! Bất chấp các cuộc họp liên tiếp gần đây không để khan hiếm xăng dầu lan rộng, không ít địa phương người dân vẫn chẳng dễ để mua.
Từ cuối tháng 1, khi Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn thông báo về nguy cơ dừng hoàn toàn hoạt động của nhà máy rồi “làm mình làm mẩy” buộc PVN phải khuyến cáo, viễn cảnh khan hiếm xăng dầu đã hiện rõ khi họ chiếm tới 35% thị phần nguồn cung cả nước! Nhưng không hiểu do vướng Tết hay “A,B,C,D” gì đó mà cho đến hôm nay, tình hình chưa thấy có dấu hiệu khả quan hơn với bằng chứng là khá nhiều cây xăng đóng cửa hay bán cầm chừng.
Trong khi Bộ Công thương bảo rằng đã làm đủ cách, chấn chỉnh và sẵn sàng phạt nặng doanh nghiệp (DN) hay cây xăng dầu nào găm hàng trục lợi thì thị trường lại có lý lẽ khác. Ông Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ – Sản xuất Thắng Thành, doanh nghiệp phân phối xăng dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho biết phải đóng cửa một số cửa hàng từ trước Tết Nguyên đán do thiếu nguồn cung và giá bán ra thấp hơn giá nhập vào. “Một lít xăng dầu nhập về cao hơn bán ra 200 đồng vì giá xăng dầu bán ra theo quy định của Nhà nước. Càng bán càng lỗ nặng”, ông này than thở!
Hôm qua trên Truyền hình quốc gia, một bà chủ cây xăng cho hay bán mỗi lít lãi có 60 đồng thì bán làm gì vì càng bán càng lỗ! Không chỉ vậy mà còn đây nữa: “Mỗi lần nhập, doanh nghiệp chỉ được cung ứng khoảng 12 m3 xăng dầu chứ không được 24 m3 như trước vì thiếu hàng”!
Tại TP. HCM, Cục Quản lý thị trường TP cho biết hiện có một số cây xăng cũng tạm ngưng hoạt động lý do thiếu xăng Ron 95 để bán, tạm ngưng để sửa chữa hệ thống điện, hệ thống phòng cháy chữa cháy và một số lý do khác.
Xăng dầu được xem là “máu” của nền kinh tế nước nhà nên khan hiếm, thiếu hụt ngày nào thiệt hại nặng ngày đó, chưa kể sẽ gây vô số bất tiện cho cuộc sống người dân, hoạt động của DN. Có lẽ đây là lần hiếm hoi Việt Nam rơi vào tình cảnh này, nếu không chấn chỉnh sớm, giải quyết nhanh gọn thì mất mát không chỉ về kinh tế sẽ nặng nề hơn.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định dự trữ trong nước đủ lớn, Việt Nam có đầy đủ các quy định, cơ chế để bình ổn, đáp ứng đủ xăng dầu nhưng ông cũng yêu cầu Bộ Công thương phải thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ quản lý của mình!
Cơ quan quản lý và cấp điều hành thì luôn cho biết xăng dầu không thiếu, nguồn cung vẫn đủ nhưng Báo Tuổi trẻ dẫn lời của ông Trần Thanh Trung, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu An Giang (Petrolimex An Giang) cho biết sở dĩ xảy ra tình trạng các cửa hàng treo bảng “hết xăng 95” như hiện nay là do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất dẫn đến các đầu mối phải nhập khẩu với giá cao, nguồn cung ít.
Còn Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay việc thiếu hụt xăng dầu chỉ mang tính cục bộ. Hiện nay, nguồn cung xăng dầu trong nước đáp ứng khoảng 75% nhu cầu thị trường, còn lại 25% là nhập khẩu!
Nhưng dù trên bàn họp thông tin ra sao hay khẳng định thế nào thì thực tế cửa hàng treo bảng hết xăng, tạm nghỉ hay bán nhỏ giọt vẫn diễn ra ở nhiều nơi! Dân chúng cũng nhìn vào thực tế ấy để đánh giá khả năng xăng dầu thiếu hay đủ, điều hành tốt hay yếu, giá sẽ lên hay xuống. Còn ở một khía cạnh nào đó thì sau khi “làm mình làm mẩy” thì nguồn cung từ Nghi Sơn đã thiếu hụt thực sự cũng làm dấy lên không ít quan ngại. Từ bao giờ một nhà máy được ưu ái đủ thứ, bao tiêu đủ kiểu lại có thể gây “sức ép” như vậy?
An toàn năng lượng, đảm bảo xăng dầu luôn là yêu cầu hàng đầu của các cơ quan điều hành quản lý và quan tâm bậc nhất của người dân. Giờ đây khi nguồn cung thiếu hụt, dù cục bộ hay bất thường, dù nhất thời hay sẽ cần thời gian mới ổn định thì rõ ràng những dấu hiệu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như vậy sẽ là dấu hiệu không nên có. Những khẳng định như “chúng ta có đủ công cụ, bộ máy để bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu” cần sớm hiện hữu trên thực tế để chứng minh hơn là để bảng treo “hết hàng”, “tạm nghỉ” còn trên các cây xăng dầu!
Theo Hà Phan/cuocsongantoan.vn