Bộ GTVT cho biết, cơ quan này đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc cụ thể với từng địa phương, xây dựng kế hoạch, lộ trình và mục tiêu dán thẻ đảm bảo phấn đấu đến giữa năm 2022, số lượng giao dịch thông qua hệ thống thu phí ETC tại các trạm thu phí đạt từ 80-90%
Hoàn thiện lắp đặt
Bộ GTVT vừa có báo cáo về triển khai hệ thống thu phí đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng. Cơ quan này cho biết, hệ thống ETC đưa vào hoạt động góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, tạo thuận tiện và niềm tin cho người tham gia giao thông, số lượng các phương tiện dán thẻ và tham gia dịch vụ ngày càng tăng cao. Hiện có hơn 2 triệu phương tiện đã dán thẻ để tham gia dịch vụ. Doanh thu thu phí ETC tại các trạm tăng từ 19% trong quý I/2021 lên 50% trong quý IV/2021.
Về việc hoàn thiện hệ thống, đến thời điểm hiện tại, đã có 113 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng. Một số trạm không triển khai hoặc lùi thời gian triển khai do có tính chất đặc thù đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Trong 113 trạm thu phí đã lắp đặt, vận hành ETC, có 63 trạm đã lắp đặt 100% các làn thu phí điện tử không dừng (chỉ còn 1 làn hỗn hợp cả thu phí ETC và thu phí MTC).
Để bảo đảm mục tiêu mỗi trạm thu phí duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT cho biết, thời gian tới cần lắp thêm 126 làn thu phí. Trong đó 42 làn thuộc các trạm do Bộ GTVT quản lý, 84 làn thuộc các trạm do địa phương quản lý.
Đối với các trạm thu phí do Bộ GTVT quản lý, Bộ đã làm việc cụ thể với từng nhà đầu tư BOT và nhà cung cấp dịch vụ để thống nhất phương án, lộ trình triển khai lắp đặt thiết bị ETC các làn thu phí còn lại, phấn đấu hoàn thành trong quý I/2022.
Đối với các trạm thu phí do các địa phương quản lý, Bộ GTVT đã có văn bản đôn đốc và làm việc cụ thể với từng địa phương để thống nhất phương án, lộ trình triển khai bảo đảm tiến độ.
Về việc lựa chọn một số tuyến cao tốc tại mỗi vùng miền để triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí ETC, Bộ GTVT cho biết, trên cơ sở đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sự thống nhất của nhà đầu tư, Bộ GTVT đã thống nhất trước mắt lựa chọn tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng để thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí ETC. Dự kiến sẽ chính thức áp dụng thí điểm trong tháng 6/2022.
Đối với hệ thống ETC tại các dự án do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý, Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã thống nhất giao VEC tổ chức thuê đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tại các dự án cao tốc.
Các dự án do VEC quản lý không phải là các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, các dự án này do Chính phủ vay vốn giao lại cho VEC đầu tư, vận hành khai thác và tổ chức thu phí hoàn vốn. Do vậy, việc thuê đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tại các dự án cao tốc do VEC quản lý cần có thời gian nhất định và được thực hiện từng bước theo quy định pháp luật. Dự kiến sẽ hoàn thành lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ trong quý I/2022, tổ chức lắp đặt, vận hành hệ thống trong quý II/2022.
Tăng cường tuyên truyền để người dân dán thẻ, sử dụng dịch vụ
Liên quan đến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành về yêu cầu đạt tối thiểu 90% phương tiện được dán thẻ để sử dụng dịch vụ thu phí ETC vào tháng 6/2022, Bộ GTVT cho biết, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với các địa phương, các nhà cung cấp dịch vụ, các nhà đầu tư BOT đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để đẩy mạnh công tác dán thẻ.
Tuy nhiên, đến thời điểm nay mới có khoảng 2,4 triệu phương tiện tham gia dịch vụ, chiếm hơn 50% tổng số phương tiện trên toàn quốc.
Nguyên nhân của việc người dân không “tha thiết” với việc dán thẻ để sử dụng dịch vụ, Bộ GTVT cho hay, do nhiều yếu tố đặc thù, khách quan, nhiều phương tiện không có nhu cầu dán thẻ như các phương tiện chỉ di chuyển trong thành phố, phương tiện thuộc vùng không có trạm thu phí hoặc các phương tiện ít đi qua các trạm thu phí dẫn đến mục tiêu hoàn thành 90% phương tiện dán thẻ theo chỉ đạo khó khả thi.
Ngoài ra, do hệ thống ETC lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, việc quản lý vận hành hệ thống liên quan đến nhiều đối tượng, vì vậy vẫn còn tồn tại một số lỗi, bất cập gây bức xúc cho chủ phương tiện như xe qua trạm phải trả tiền mặt trong khi tài khoản giao thông vẫn trừ tiền. Hoặc, nhiều phương tiện chưa đủ điều kiện vẫn đi vào cửa dành riêng cho thu phí ETC. Bộ GTVT khẳng định, Bộ đã nắm được những vấn đề này và đang tiếp tục đôn đốc chủ đầu tư hoàn thiện, khắc phục dứt điểm trong thời gian tới.
Liên quan đến lợi ích của hệ thống ETC trong lưu thông, Bộ GTVT cho hay, hệ thống hiện tại đảm bảo tính đồng bộ kết nối. Phương tiện chỉ cần dán 1 thẻ đầu cuối có thể qua tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc. Việc nạp tiền, trả tiền được đa dạng hóa với nhiều hình thức như áp dụng ví điện tử, kết nối liên ngân hàng giúp chủ phương tiện chủ động trong việc nộp tiền, quản lý tài khoản giao thông.
Để dự án triển khai hiệu quả đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc cụ thể với từng địa phương, xây dựng kế hoạch, lộ trình và mục tiêu dán thẻ đảm bảo phấn đấu trong năm 2022, số lượng giao dịch thông qua hệ thống thu phí ETC tại các trạm thu phí đạt từ 80-90%.
Bộ GTVT cũng tiếp tục đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các đoàn thể chính trị – xã hội gương mẫu gắn thẻ đầu cuối đối với các phương tiện xe ô tô thuộc phạm vi quản lý để sử dụng dịch vụ thu phí ETC. Đồng thời, tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức trong cơ quan gương mẫu dán thẻ và tham gia dịch vụ thu phí ETC, hạn chế thanh toán chi phí dịch vụ sử dụng đường bộ bằng hình thức thủ công, một dừng tại các trạm thu phí đã vận hành hệ thống thu phí ETC.
Theo Phan Trang/baochinhphu.vn