Categories Thị trường

Xuất khẩu tôm năm 2021 “vượt bão”, về đích suôn sẻ

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu tôm của Việt Nam năm 2021 đạt 3,9 tỷ USD, tăng 4% so với năm 2020.

Năm 2021, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt trên 1 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020.
Năm 2021, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt trên 1 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020.

Năm 2021, xuất khẩu tôm Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần thứ 4. Bên cạnh đó, dịch Covid làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, làm tăng các chi phí nhất là chi phí vận tải biển sang các thị trường.

Trong quý 3/2021, chế biến, xuất khẩu tôm giảm liên tiếp trong 2 tháng 8 và 9 do nhiều nhà máy ở miền Tây (chiếm 80% sản lượng chế biến tôm cả nước) phải sản xuất “3 tại chỗ” hoặc tạm ngưng để phòng, chống dịch Covid-19. Bắt đầu từ nửa cuối tháng 10, hoạt động chế biến dần phục hồi, kéo xuất khẩu tăng trở lại.

Mặc dù chồng chất khó khăn, xuất khẩu tôm cả năm 2021 vẫn đạt tăng trưởng dương. Đây là nhờ sự nỗ lực vượt bậc của các doanh nghiệp và chính sách chống dịch thích ứng an toàn, linh hoạt theo Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ, giúp cho sản xuất, xuất khẩu tôm nhanh chóng hồi phục trong những tháng cuối năm 2021.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), điểm sáng của tôm Việt Nam trong năm 2021 là giữ được sự tăng trưởng khá tốt ở thị trường Mỹ trong suốt cả năm. Năm 2021, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ đạt trên 1 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2020.

Cùng với Mỹ, EU cũng là 1 thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam ghi nhận sự hoạt động tích cực trong năm 2021. Năm 2021, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt hơn 613 triệu USD, tăng 19% so với năm 2020. Xuất khẩu sang 3 thị trường chính: Hà Lan, Đức, Bỉ tăng lần lượt 11%, 25% và 19%.

Sau một năm Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU ghi nhận tăng trưởng khá.

Để khôi phục kinh tế hậu Covid-19, EU đã kích hoạt nhiều gói hỗ trợ, giải ngân các quỹ khôi phục sản xuất nhằm xây dựng lại các chuỗi cung ứng hàng hóa. Những tháng cuối năm 2021, EU rất khan hiếm hàng hóa bởi nhiều đối tác cung ứng cho EU đang phải chống chọi với dịch Covid-19, cộng với áp lực về giá cước vận tải biển tăng cao trong khi nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm của người dân EU tăng.

Ngược lại, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Nhật Bản trong năm 2021 giảm.

Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc năm 2021 đạt hơn 412 triệu USD, giảm 22%, do nước này áp dụng chính sách “zero Covid” và kiểm tra khắt khe tại cảng để phòng dịch Covid.

Xuất khẩu sang Nhật Bản năm 2021 đạt 578 triệu USD, giảm 6% so với năm 2020. Tăng trưởng kinh tế của nước này chậm lại do Covid-19 làm giảm nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong đó có tôm. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Nhật Bản vẫn phải chịu quy định kiểm tra 100% nên xuất khẩu tôm sang nước này năm 2021 chưa thể bật tăng.

Theo VASEP, năm 2022, dự kiến xuất khẩu tôm Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt do tôm là thực phẩm thơm, ngon, bổ dưỡng, tiện lợi nên nhu cầu thế giới tiếp tục ở trạng thái tốt.

Năm 2022, tôm Việt Nam cần xác định duy trì và giữ vững các thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, EU. Song song coi trọng thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Anh, Australia, Canada, Singapore…

Năm 2022, xuất khẩu tôm sang Mỹ và EU dự kiến tiếp tục tăng trưởng 2 con số, xuất khẩu sang Trung Quốc phục hồi sau khi giảm mạnh trong năm 2021, xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản tăng trưởng nhẹ do nhu cầu từ 2 thị trường này khá ổn định và có thể không có sự tăng trưởng đột phá.

Theo Bảo Phương/Chất lượng&Cuộc sống