Năm 2022, Ban Quản lý các Khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX và KCN) TP.HCM (Hepza) đặt mục tiêu thu hút đầu tư 500 triệu USD, tức thấp hơn hơn 100 triệu USD so với kết quả của năm 2021. Lãnh đạo Hepza cho biết sẽ tập trung nhiều giải pháp để thu hút đầu tư cũng như hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất…
Thực vậy, năm 2021, Hepza đã chấm dứt hoạt động 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 26,32 triệu USD và 21 dự án vốn trong nước với vốn đầu tư 876,34 tỷ đồng. Nguyên nhân là do hoạt động không hiệu quả, hết thời hạn thuê đất, thay đổi mục tiêu dự án; trong đó đáng chú ý có 4 dự án chấm dứt hoạt động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Bên cạnh sự ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 thì nguyên nhân sụt giảm dòng vốn đầu tư còn xuất phát từ các khó khăn về quỹ đất chưa được tháo gỡ khiến quỹ đất thu hút đầu tư vào KCX, KCN ngày càng thu hẹp. Theo lãnh đạo Hepza, hoạt động sản xuất công nghiệp của TP.HCM đang đứng trước thách thức không nhỏ về cơ sở hạ tầng khi các khu công nghiệp hiện hữu đang dần bị lấp đầy diện tích đất cho thuê trong khi các KCN mới thành lập chậm triển khai. Những hạn chế nêu trên khiến việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất của TP.HCM gặp khó khăn.
Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Quản lý Hepza cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra năm 2022, Hepza sẽ tập trung vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư; đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất và cải cách hành chính… Mặt khác, Ban quản lý sẽ đôn đốc xây dựng 20.000 m2 nhà xưởng cao tầng; thực hiện cải cách hành chính, tăng tỷ lệ hồ sơ được giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 lên 30% trong năm nay.
Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là thúc đẩy việc sớm thành lập và đưa vào khai thác khu công nghiệp mới Phạm Văn Hai quy mô 668 ha sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung KCN này vào quy hoạch phát triển KCN của thành phố. Cùng với đó, phối hợp với UBND các quận, huyện cùng các sở, ngành đẩy nhanh tiến độ giải tỏa đền bù, thủ tục pháp lý để triển khai các KCN đã thành lập mới và mở rộng gồm KCN Lê Minh Xuân 2, Lê Minh Xuân mở rộng, Tây Bắc Củ Chi mở rộng, Vĩnh Lộc mở rộng và các KCN trong danh mục quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ (Hiệp Phước giai đoạn 3, Vĩnh Lộc 3).
Song song với đó, Hepza cũng đã đưa ra một số kiến nghị như xác định vị trí của Ban Quản lý các KCN, KCX, Khu kinh tế (KTK) trong hệ thống cơ quan quả lý Nhà nước để tránh chồng chéo các chức năng; sớm có Luật Khu KCN, KCX, KKT; tháo gỡ những vướng mắc ở cơ chế “một cửa tại chỗ” tại các Ban quản lý KCN, KCX, KKT… Những kiến nghị này đã được Hepza gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sớm có báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội nhằm tháo gỡ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn tại các KCX, KCN, KKT.
“Hepza cũng định hướng mô hình phát triển các KCN mới, phối hợp với các sở, ngành xây dựng tiêu chí thu hút đầu tư vào các KCX, KCN trên cơ sở vốn đầu tư/ha, lao động/ha, ngành nghề thu hút… Tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua các Hiệp hội ngành nghề, Hiệp hội doanh nghiệp các nước tại Việt Nam; nâng cao hình ảnh, thương hiệu của Hepza thông qua việc hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp vượt khó trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch bệnh”, ông Hưng cho biết.
Theo Minh Lâm/Thời báo Ngân hàng