Năm 2021, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã nỗ lực thực hiện thành công “đa mục tiêu” vừa phòng chống COVID-19 hiệu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe cho cán bộ, duy trì hoạt động kinh doanh liên tục, chia sẻ khó khăn với khách hàng và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết trong năm 2021, Vietcombank bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh liên tục, cung ứng đầy đủ, kịp thời dịch vụ ngân hàng, kể cả trong những thời điểm giãn cách theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 16, đồng thời cải tiến chính sách, số hoá quy trình, triển khai kịp thời các giải pháp giao dịch trực tuyến để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh dịch bệnh.
Năm 2021, hầu hết các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh của Vietcombank đạt và vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) và HĐQT giao như: Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu huy động vốn theo đúng định hướng; huy động vốn thị trường I đạt gần 1.154.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2020. Tỉ trọng huy động vốn không kỳ hạn (KKH) bình quân đạt 32,2%, tăng 3,3 điểm % so với năm 2020. Ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng từ đầu năm; chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng an toàn, hiệu quả; kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng; dư nợ tín dụng đạt khoảng 963.670 tỷ đồng, tăng 14,99% so với cuối năm 2020, góp phần cung ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, đồng thời tuân thủ giới hạn tăng trưởng tín dụng theo quy định của NHNN.
Vietcombank kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng: Tỉ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,34%; tỉ lệ nợ xấu ở mức 0,63%.
Ngân hàng trích lập đủ 100% dự phòng cụ thể của dư nợ cơ cấu theo Thông tư 03 – sớm trước 2 năm so với thời hạn quy định của NHNN. Tỉ lệ quỹ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất hệ thống ngân hàng (424%); doanh số thanh toán và sử dụng thẻ tăng 19,2% so với 2020…
Đáng chú ý, trong năm 2021, Vietcombank tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình chịu tác động của dịch COVID-19. Tổng dư nợ khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là xấp xỉ 10.540 tỷ đồng… Tổng số tiền lãi lũy kế hỗ trợ khách hàng năm 2020-2021 là 10.800 tỷ đồng.
Đặc biệt, Vietcombank tiếp tục đồng hành, sẻ chia và hỗ trợ khách hàng một cách thiết thực thông qua việc miễn toàn bộ phí chuyển tiền và phí duy trì dịch vụ trên kênh ngân hàng số VCB Digibank, mang đến cho khách hàng sự thuận tiện trong trải nghiệm, sử dụng các dịch vụ ngân hàng số. Trong năm 2021, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí đầu ngành về nộp ngân sách nhà nước với số tiền xấp xỉ 11.000 tỷ đồng.
Ngoài hoạt động kinh doanh, Vietcombank cũng đóng góp cho công tác an sinh xã hội và phòng chống dịch COVID-19 gần 723 tỷ đồng.
Trong năm 2022, Vietcombank phấn đấu đạt một số chỉ tiêu như: Tổng tài sản tăng 8%, tín dụng tăng 12%, tỉ lệ nợ xấu dưới 1,5%, lợi nhuật trước thuế tăng tối thiểu 12% so với năm 2021.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Vietcombank, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú bày tỏ tin tưởng Vietcombank tiếp tục phát huy tốt vai trò chủ đạo, dẫn dắt thị trường và đi đầu trong thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của ngành.
Tích cực triển khai nhiệm vụ bám sát chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ, nhấ là triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong giai đoạn 2022-2023.
Bên cạnh đó, Vietcombank tiếp tục đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng nhưng không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (như kinh doanh bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp…).
Theo Anh Minh/baochinhphu.vn