Phòng vệ thương mại được ví như biện pháp hiệu quả giúp “hồi sức” cho ngành mía đường trong nước, từng bước phục hồi vùng nguyên liệu của người nông dân đồng thời giảm áp lực cho các doanh nghiệp mía đường.
Mía đường hưởng lợi từ phòng vệ thương mại
Năm 2020, Việt Nam bắt đầu thực thi cam kết trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành mía đường với thuế nhập khẩu ở mức 5%. Từ đó, đường nhập khẩu từ các nước ASEAN, trong đó chủ yếu từ Thái Lan, đã tăng nhanh chóng. Năm 2020, nhập khẩu đường từ Thái Lan đạt gần 1,5 triệu tấn, tăng 330% so với năm 2019.
Đường nhập khẩu từ Thái Lan với khối lượng lớn và giá rẻ đã gây ảnh hưởng đến ngành sản xuất trong nước.
Theo thống kê của Hiệp hội mía đường Việt Nam, trước khi ngành đường thực thi ATIGA, Việt Nam có 41 nhà máy sản xuất đường. Đến năm 2020 chỉ có 30 nhà máy còn hoạt động, 11 nhà máy đã buộc phải đóng cửa.
Trong 30 nhà máy đang hoạt động, 17 nhà máy bị thua lỗ. Khoảng 3.300 người lao động đã bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất đường trong nước. Diện tích trồng mía bị thu hẹp đáng kể do thu nhập từ cây mía không đảm bảo cuộc sống của người nông dân. Có những dấu hiệu cho thấy đường Thái Lan bán với giá rất rẻ do bán phá giá và nhận được trợ cấp từ Chính phủ Thái Lan.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng cho biết, có nhiều dấu hiệu cho thấy, đường Thái Lan bán với giá rất rẻ do bán phá giá và nhận được trợ cấp từ Chính phủ Thái Lan. Trước tình hình đó, 6 nhà máy đường với đại diện là Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan.
Sau quá trình điều tra kỹ lưỡng, ngày 15 tháng 6 năm 2021, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 1578/QĐ-BCT, áp dụng mức thuế PVTM là 47,64% đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam.
Do bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, lượng đường nhập khẩu Thái Lan từ tháng 3/2021 giảm tới 75%. Điều này làm giảm tác động cạnh tranh không lành mạnh của đường Thái Lan đối ngành sản xuất trong nước, từ đó giúp giá đường sản xuất trong nước tăng lên, giá thu mua mía của nông dân cũng tăng thêm từ 100.000 đến 200.000 đồng/tấn.
Tại tọa đàm “Thực trạng ngành mía đường Việt Nam sau khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại”, ông Nguyễn Văn Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam đánh giá, các biện pháp phòng vệ thương mại mà ngành Công thương áp dụng cho ngành mía đường mang lại nhiều lợi ích. Thứ nhất, minh bạch vai trò của ngành mía đường. Nếu như trước đây, trong một thời gian rất dài ngành mía đường mang tiếng là chỉ trông chờ vào bảo hộ, không có năng lực cạnh tranh. Sau quá trình điều tra, ngành mía đường đã được “minh oan”.
Thứ hai, các biện pháp này đã giúp chặn đứng lại sự suy thoái của ngành ngay từ khi bắt đầu công bố điều tra, giúp giá đường đi lên.
Thứ ba là giá đường của Việt Nam bắt đầu tiệm cận giá các nước trong khu vực và đến ngày hôm nay thì giá mía mà ngành mía đường Việt Nam đang mua cho nông dân bằng giá mua mía của nông dân Indonesia, Philippines được hưởng.
“Hôm nay chúng tôi tự tin nói: giá mía nông dân Việt Nam được hưởng cao hơn giá mía người nông dân Thái Lan đang được hưởng”, ông Lộc lạc quan.
Phòng vệ thương mại được ví như biện pháp hiệu quả giúp “hồi sức” cho ngành mía đường nước ta, từng bước phục hồi vùng nguyên liệu của người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất mía đường, đồng thời giảm áp lực cho các doanh nghiệp mía đường trong nước.
Doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh
Trao đổi về vấn đề này, ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho hay: Việc phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp đã giúp ngành mía đường phục hồi sau một giai đoạn dài bị thiệt hại nặng nề bởi các mặt hàng đường nhập khẩu từ các nước trong khu vực được coi là có dấu hiệu gian lận thương mại.
Trong bối cảnh tự do hàng hóa và toàn cầu hóa như hiện nay, các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu của các quốc gia ngày càng giảm xuống, đặc biệt khi Việt Nam và một số nước tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) thì thuế nhập khẩu của nhiều mặt hàng được giảm, thậm chí còn được cắt bỏ hoàn toàn. Điều đó sẽ khiến cho mức độ cạnh tranh giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước sẽ ngày tăng lên.
“Với các hoạt động cạnh tranh này, chúng ta có nhận thức chung là ủng hộ cạnh tranh sòng phẳng, lành mạnh giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước để sử dụng tốt nhất nguồn lực quốc gia” – ông Trung nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trung, các doanh nghiệp sản xuất trong nước sẽ phải tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh của mình để có thể là cạnh tranh được với cả hàng hóa nhập khẩu.
Về phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cũng đồng tình, khi áp dụng biện pháp phòng vệ với đường nhập khẩu, giá đường đã có dấu hiệu tăng lên. Doanh nghiệp sản xuất bắt đầu có chính sách về phát triển vùng nguyên liệu, tăng giá thu mua mía đối với người dân…
Đại diện các hộ nông dân trồng mía tỉnh Phú Yên, ông Võ Văn Út chia sẻ, ngay từ đầu niên vụ 2020-2021 khi bắt đầu có thông tin khởi xướng điều tra chống bán phá giá chống trợ cấp đối với đường có xuất xứ Thái Lan, các nhà máy đã tăng giá mua mía của nông dân cao hơn 150.000 đồng/tấn mía so với vụ 2019-2020. Thu nhập của người nông dân cũng được cải thiện hơn hẳn.
Cũng theo ông Út thì hiện giá đường đã được nâng cao, nhà máy tiếp tục nâng giá mía niên vụ 2021-2022 cao hơn 100.000 đồng/tấn mía so với vụ trước.
“Chúng tôi rất phấn khởi vì với giá mía này đời sống bà con nông dân chúng tôi được cải thiện. Nếu giá mía này được duy trì trong thời gian sắp đến, chắc chắn chúng tôi sẽ mở rộng diện tích trồng mía hơn nữa”, ông Út vui vẻ cho biết.
Theo Bảo Phương/Chất lượng&Cuộc sống