Gần 10 hãng hàng không cùng cất cánh: Bộ GTVT giải quyết bài toán hạ tầng thế nào?

Thông tin về việc cấp phép mới thêm 4 hãng hàng không, như vậy, trong thời gian tới, gần 10 hãng hàng không sẽ cùng cất cánh. Sẽ là tin vui cho khách hàng về mặt cạnh tranh giá vé, nhưng liêu bài toán hạ tầng sẽ được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giải quyết như thế nào khi tình trạng quá tải ở các sân bay vẫn chưa được giải quyết, như sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài?

Phi công cũng lo

Theo thống kê, mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất đón khoảng 700 lượt chuyến bay cất và hạ cánh. Ngày cao điểm, con số này lên đến hơn 900. Năm ngoái, sân bay này đã phải oằn mình cõng thêm trên 10 triệu lượt khách vượt công suất thiết kế. Trong khi đó việc mở rộng Tân Sơn Nhất đã bàn từ hai chục năm nay nhưng vẫn giậm chân tại chỗ.

Nhiều khách sau mỗi chuyến bay hạ cánh xuống sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất thường than phiền về việc máy bay dằn, sốc khi lăn bánh vào đường băng với tốc độ cao và đổ lỗi do phi công kém.

Quá tải hàng không đang làm đau đầu cơ quan chức năng.

Chứng kiến cảnh hành khách xếp hàng dài ở cửa an ninh để đi ra máy bay, rất nhiều hành khách bày tỏ lo lắng vì sắp tới có khoảng 10 hãng hàng không cũng cất cánh, bởi đến cửa an ninh dễ đầu tư mở rộng nhất mà cả năm nay khách cứ phải chen chân xếp hàng, dù sắp đến giờ bay. Việc này dễ thế còn không làm được, nói gì đến xây nhà ga, đường băng để giảm tải hàng không.

‘Hai đường băng 07L/25R của sân bay Tân Sơn Nhất và 1B của Nội Bài đã rạn nứt, phụt bùn. Mặt đường băng, bê-tông bị biến dạng, hằn in vệt bánh xe. Đó là lý do vì sao hạ cánh xuống Nội Bài rất dằn và sốc trong khoang hành khách, khiến nhiều người hoảng sợ”, anh Lê Minh, cơ trưởng từng làm việc cho 2 hãng hàng không lớn ở Việt Nam giải thích.

Theo anh Minh, đường băng ở sân bay Nội Bài xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ đóng cửa khiến các phi công và kỹ sư, thợ máy rất quan ngại về an toàn bay.

“Tàu bay là những cỗ máy khổng lồ lăn bánh với tốc độ và độ ma sát cực lớn trên đường băng. Mỗi ngày, 450 đến 700 chuyến xếp hàng và thay nhau cào mặt đường mà không được quan tâm bảo dưỡng, nâng cấp’”, anh Vũ, cơ trưởng một hãng hàng không lớn tại Việt Nam, chia sẻ.

Kèm theo đó là tình trạng hàng ngày phải nhẫn nại chờ đến lượt cất hạ cánh và chậm, hủy chuyến. “Là phi công chúng tôi cũng sốt ruột chứ chưa nói đến khách bay”, anh Vũ nói và cho biết: “Tôi xin nói thẳng là chậm chuyến, cả chúng tôi và hãng đều bị thiệt hại không nhỏ về kinh tế”.

Số lượng hành khách, máy bay, đường bay ngày càng tăng nhưng sân bay thì không nở ra tương ứng. Trong khi đó, diện tích sân bay Tân Sơn Nhất chỉ còn 1/5 so với năm 1975, nghĩa là hạ tầng hàng không sân bay đông khách nhất Việt Nam đi thụt lùi!

Máy bay chờ đợi nhau để cất cánh.

‘Không dám tưởng tượng…’

Theo Cục Hàng không Việt Nam, 7/22 sân bay nước ta đã quá tải. Nghiêm trọng nhất là tại Tân Sơn Nhất và Nội Bài.Hiện Việt Nam có 5 hãng hàng không nhưng cảnh xếp hàng rồng rắn ở quầy thủ tục, cảnh kẻ đứng người ngồi chật kín cả phòng chờ của nhà ga, cảnh sốt ruột đợi xe buýt, xe thang đã quá ngột ngạt, bức bối, cảnh ngồi hàng giờ trê máy bay chờ cất, hạ cánh… đã diễn ra như cơm bữa.

“Nay nghe chuẩn bị có thêm mấy hãng nữa tôi không dám tưởng tượng cảnh hàng chục hãng bay cùng cất cánh”, TS Lê Quang Trung (47 tuổi, giảng viên đại học) lo lắng.

“Đường bay đâu để bay? ‘Đất đâu để đỗ tàu bay? Các nhà quản lý hàng không có hiểu nguyên lý nút thắt cổ chai, hãng bay trong nước và nước ngoài nào mà chả cất hạ cánh ở những sân bay vàng như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng. Tại sao lại đổ hết ùn tắc lên đầu hành khách?”, TS Trung đặt dấu hỏi.

Chung tâm trạng, chị Phan Thanh Nhàn (36 tuổi, nhân viên ngân hàng) chia sẻ: “Tôi thường đi công tác xa bằng máy bay, delay nhiều đã mệt lắm rồi. Bây giờ thêm các hãng mới, liệu họ có “đất” sống không?

“Nghe nói sắp tới sẽ có tổng cộng 10 hãng bay, tôi thực sự choáng váng. Tôi không tin Bộ GTVT, không tin các cam kết mở rộng cảng hàng không và càng không tin tiến độ họ đưa ra. Cứ nhìn vào Tân Sơn Nhất và các tuyến giao thông trọng điểm như đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông thì rõ. Họ không vì quyền lợi của người dân và doanh nghiệp”, LS Duy Truyền thẳng thắn.

5 hãng hàng không hiện hành gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar, VASCO và Bamboo đang trên đà tăng trưởng cả về số lượng tàu bay, đường bay và lượt vận chuyển trong và ngoài nước. Các hãng mới như Vietstar Airlines, Kite Air, Vietravel Airlines và Vinpearl Air đang được Cục Hàng không xét trình cấp phép tham gia hàng không khiến ngành hàng không và các sân bay càng trở nên ngột ngạt.

Theo báo cáo của Cục hàng không Việt Nam, năng lực điều hành không lưu của Việt Nam khá hạn chế, hiện chỉ áp dụng khoảng 44 chuyến mỗi giờ tại Tân Sơn Nhất, thấp hơn khả năng lý thuyết là 60 chuyến mỗi giờ, chủ yếu do những nguyên nhân chủ quan về năng lực nhân sự, thấp hơn đáng kể so với bình quân của quốc tế. Thêm máy bay, thêm chuyến và đặc biệt là thêm hãng hàng không mới, an toàn hàng không Việt Nam đứng trước nguy cơ báo động.

Theo Hiếu Dân/ Dân Việt