Năm 2017, Sở Xây dựng TP.HCM đã lên phương án xử lý sai phạm tại cao ốc The One SaiGon nhưng đến nay CTCP TĐ Capella vẫn chưa thực hiện các điều kiện theo quy định dẫn đến sai phạm tồn tại, chưa xử lý?
Liên quan đến hàng loạt sai phạm tại cao ốc Bến Thành AA (Tên gọi khác The One SaiGon – PV) tại số 172 – 174 Ký Con, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1, TP.HCM do Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Capella (TĐ Capella) làm chủ đầu tư đã tồn tại gần 10 năm mà không bị xử lý, khiến dư luận bức xúc, đặt nhiều nghi vấn trong vụ việc.
TĐ Capella đi trước đón đầu?
Công trình cao ốc cao ốc Bến Thành AA được xây dựng theo Quyết định số 225/QĐ-SXD-PTN ngày 9 tháng 11 năm 2007 và Quyết định số 461/QĐ-SXD-TĐDA ngày 01 tháng 4 năm 2016 do Sở Xây dựng TP.HCM cấp với quy mô: 02 hầm, trệt, lửng, 18 lầu, tầng sân thượng, tầng mái được đưa vào sử dụng từ năm 2010.
Tuy nhiên, theo giải trình của chủ đầu tư, ngay khi đưa vào sử dụng, vì để phục vụ chu đáo buổi lễ cho quý lãnh đạo Trung ương, Thành phố đến tham dự buổi lễ khai trương Tòa nhà… nên đã cơi nới, thay đổi công năng tầng sân thượng, tầng kỹ thuật mái và tầng mái (tầng 21, 22, 23) tại tòa nhà thành khu văn phòng, căn tin, khu kỹ thuật… sau đó giữ nguyên hiện trạng.
Với lý do trên, nhiều sai phạm bắt đầu xuất hiện ly kỳ tại cao ốc Bến Thành AA. Sau đó, tồn tại trong một thời gian dài khiến nhiều người bức xúc.
Mặc dù sai phạm xuất hiện từ năm 2010, tuy nhiên đến giữa năm 2016, sau khi bị phát giác thì TĐ Capella “đón đầu” bằng việc ra Văn bản số 72/CV-CH đề ngày 15/8/2016 và số 80/CV-CH đề ngày 5/10/2016 gửi đến Sở Xây dựng TP.HCM để hợp thức hóa sai phạm của mình.
Văn bản gửi Sở Xây dựng của TĐ Capella có nội dung: “Đề nghị Sở xây dựng phê duyệt diện tích căng tin, kỹ thuật tại tầng sân thượng, tầng kỹ thuật mái và tầng mái (tầng 21, 22, 23) của cao ốc Bến Thành AA được sử dụng làm căng tin và kinh doanh nhà hàng từ 17 giờ đến 24 giờ mà công ty đã sử dụng ổn định trong suốt thời gian qua”.
Cũng từ đây, Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra, rà soát và phát hiện hàng loạt sai phạm tại cao ốc này. Cụ thể, Sở Xây dựng kết luận: so với các Quyết định phê duyệt xây dựng trước đó thì trong quá trình thi công, chủ đầu tư đã tự ý chuyển đổi công năng tại tầng sân thượng, tầng mái, xây thêm một tầng kỹ thuật mái (tầng 21, 22, 23) và chuyển đổi sang kinh doanh nhà hàng… sai mục đích, không được cơ quan chức năng cấp phép.
Việc thay đổi trên ảnh hưởng đến các chỉ tiêu thiết kế cơ sở của dự án như: Hệ số sử dụng đất tăng 0,899; Chiều cao công trình tăng 0,8m; Số tầng tăng 01 tầng.
Mặt khác, ngày 26/1/2015, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy (PCCC) TP.HCM đã có công văn số 321/PCCC-P2 chấp thuận điều chỉnh thiết kế PCCC đối với tầng sân thượng, tầng kỹ thuật mái và tầng mái (tầng 21, 22, 23) được sử dụng làm căn tin và văn phòng.
Tuy nhiên, trong thực tế chủ đầu tư sử dụng với mục đích kinh doanh, xem thường và bỏ qua quyết định của các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Sở Xây dựng rơi vào thế bị động?
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, các hạng mục thay đổi thiết kế, điều chỉnh công năng tại tầng sân thượng, tầng kỹ thuật mái và tầng mái (tầng 21, 22, 23) đã xảy ra từ năm 2010; do đó sẽ được xem xét, xử lý theo quy định tại Khoản 9, Điều 13, Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2013 của Chính Phủ.
Tuy nhiên, trước khi xử lý công trình theo Khoản 9, Điều 13, Nghị định 121/2013/NĐ-CP, thì chủ đầu tư là TĐ Capella phải được Cảnh sát PCCC TP.HCM chấp thuận phê duyệt điều chỉnh thiết kế PCCC đối với tầng sân thượng, tầng kỹ thuật mái và tầng mái (tầng 21, 22, 23) được sử dụng với mục đích kinh doanh. Tiếp theo, đối với các phần diện tích phát sinh tại sân thượng, tầng kỹ thuật mái và tầng mái, chủ đầu tư phải được sự thỏa thuận của các hộ dân cư ngụ tại chung cư về việc không tranh chấp, khiếu nại.
Về việc sử dụng hồ bơi chung với mục đích kinh doanh nhà hàng phải có sự thỏa thuận với các hộ dân. Nếu không đạt được thỏa thuận, yêu cầu chủ đầu tư phải đảm bảo việc sử dụng hồ bơi của cư dân riêng biệt theo đúng các tiện ích của căn hộ đã ký hợp đồng mua bán.
Trước kiến nghị trên của Sở Xây dựng, ngày 7/3/2017, UBND TP.HCM có văn bản số 5290/PC-ĐT chuyển nội dung vụ việc, để Sở Xây dựng lập thủ tục xử lý các hạng mục vi phạm tại cao ốc Bến Thành AA. Tuy nhiên, một thực tế không ngờ đến lại xảy ra; đó là nếu áp dụng xử lý, giải quyết sai phạm theo Khoản 9, Điều 13, Nghị định 121/2013/NĐ-CP thì Sở Xây dựng lại rơi vào thế bị động.
Bởi lẽ, để áp dụng Khoản 9, Điều 13, Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ vào xử lý sai phạm tại công trình này thì trước tiên phải đợi chủ đầu tư thực hiện các đầu việc bắt buộc đi kèm như đã nêu. Như vậy, phải chăng với kiến nghị xử lý do chính mình đề xuất, Sở Xây dựng đã vô tình trao quyền “chủ đạo” cho TĐ Capella.
Không rõ từ đó cho đến nay, TĐ Capella có tiến hành giải quyết các đầu việc như Sở Xây dựng đã kiến nghị hay không? Nhưng trong thực tế, sai phạm tại công trình này vẫn đang tồn tại mà không bị xử lý dứt điểm.
Đến đây, sai phạm sẽ vẫn mãi tồn tại nếu TĐ Capella cứ phớt lờ, không có động thái hợp tác, phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết sai phạm. Trong trường hợp này, có lẽ cơ quan quản lý trực tiếp là Sở Xây dựng cũng chỉ có thể đợi?. Đợi đến khi TĐ Capella tạo “điều kiện” để cơ quan chức năng áp dụng Khoản 9, Điều 13, Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ vào giải quyết sai phạm như đã nêu?
Như vậy, trách nhiệm quản lý Nhà nước của dự án này như thế nào cần được các cơ quan chức năng làm rõ.
Theo Thiên Nam/Tầm nhìn