Sáng nay, giá vàng thế giới giảm nhẹ trong bối cảnh thị trường chờ đợi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 của Mỹ sẽ được công bố vào cuối ngày.
Tính đến 9h sáng nay (10/11) theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay trên thị trường thế giới giảm -3,7 USD/oz (-0,2%) so với cuối phiên trước, xuống mức 1.828,3 USD/oz, giao dịch đang dao động quanh mức 1.819 – 1.833,7 USD/oz.
Giá vàng hợp đồng tương lai tháng 12 giảm -0,2 USD/oz (-0,01%), hiện giao dịch ở mức 1.830,6 USD/oz.
Chốt phiên hôm qua (giờ Mỹ), giá vàng giao ngay tăng 0,3%, trước đó có lúc giá đã chạm mức cao nhất kể từ ngày 3/9 ở 1.831.10 USD/oz; trong khi giá vàng tương lai tăng 0,2%.
Nhiều chuyên gia đang đặt câu hỏi rằng “để vàng có thể đột phá, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được công bố vào hôm nay sẽ là một yếu tố quan trọng cho câu hỏi này”.
Với sự gia tăng gần đây của áp lực lạm phát và CPI tháng 10 sẽ được công bố trong ngày hôm nay, các thành viên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lại đang có nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến việc tăng lãi suất trong năm tới.
Trong nhóm có quan điểm ôn hòa là Chủ tịch Powell và Phó Chủ tịch Richard Clarida, cả hai đã nhắc lại trong bài phát biểu hôm thứ Hai rằng việc dỡ bỏ hoặc bình thường hóa lãi suất sẽ không bắt đầu cho đến năm 2023 hoặc quý IV/2022. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Clarida được coi là diều hâu hơn một chút khi nói rằng ông ủng hộ việc tăng lãi suất sớm hơn kế hoạch nếu lạm phát tăng vọt.
Trong khi đó, ở quan điểm “diều hâu”, Chủ tịch Fed St. Louis, James Bullard hôm qua đã nói rằng ông hy vọng ngân hàng trung ương có thể sẽ có hai đợt tăng lãi suất vào năm 2022.
Các tuyên bố nói trên được đưa ra vào thời điểm quan trọng khi CPI tháng 10 sắp được công bố. Hiện tại, các nhà kinh tế đang dự báo mức tăng của CPI tháng 10 là 0,6% so với tháng trước, cao hơn 0,2% so với mức tăng của tháng 9 là 0,4%.
Theo chuyên gia phân tích Gary Wagner của Kitco: “Hai tháng trước, chúng tôi đã dự báo rằng vàng sẽ thử thách và chạm ngưỡng 1.837 USD/oz vào cuối năm 2021 và sẽ thách thức 1.900 USD/oz vào cuối quý I/2022. Hiện, với việc vàng đã tăng ngày thứ tư liên tiếp và ở trên 1.830 USD/oz thì dự báo có vẻ đã hiện thực.
Trong khi đó, các nhà phân tích của TD Securities nhận định rằng: “Giá vàng đang trên đỉnh của chu kỳ bứt phá”.
Thận trọng hơn, Phillip Streible, Giám đốc chiến lược thị trường tại Blue Line Futures, lưu ý rằng: “Các nhà đầu tư cần tỏ ra thận trọng với vàng ở khoảng giá 1.830-1.835 USD/oz khi nó đã không thể phá vỡ mức giá này để tiếp tục tăng vào hồi tháng 7 và tháng 8”.
Tại thị trường trong nước, tính đến 9h sáng nay, giá vàng SJC được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết tại TP.HCM ở mức 58,70 – 59,40 triệu đồng/lượng, tăng 100 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua và bán so với cuối phiên trước đó.
Tại Hà Nội, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 58,70 – 59,42 triệu đồng/lượng, tăng 100 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua và bán so với cuối phiên trước đó.
Trong khi đó, giá vàng DOJI tại TP.HCM đang niêm yết ở 58,70 – 59,30 triệu đồng/lượng, tăng 100 nghìn đồng/lượng ở cả 2 chiều mua và bán so với cuối phiên trước đó.
Tại Hà Nội, giá được niêm yết ở 58,60 – 59,25 triệu đồng/lượng, giữ nguyên giá mua vào và tăng 50 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so với cuối phiên trước đó.
Theo P.L/Thời báo Ngân hàng