Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ (Bộ Công thương) cho rằng, dù đang khó khăn sau thời gian giãn cách nhưng doanh nghiệp Việt cần dồn mọi nguồn lực để khôi phục sản xuất, tận dụng tốt nhất thời cơ hiện nay để củng cố và phát triển thị phần tại thị trường EU.
Tiềm năng xuất khẩu sang EU còn lớn
Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến “Triển vọng và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU trong bối cảnh mới”, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, Liên minh châu Âu (EU) là thị trường tiêu dùng lớn thứ 2 thế giới, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm của EU chiếm 15% tổng nhu cầu nhập khẩu toàn cầu.
Và hiện kinh tế khu vực EU đang khởi sắc trở lại trong năm nay. Dự báo tăng trưởng của thị trường này có thể đạt tới 5% và kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại mạnh mẽ hơn. Đây là tín hiệu tốt đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
“Thực tế, khi có sự hỗ trợ rất lớn từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) thì theo cập nhật tính từ đầu năm đến nay, dù nước ta gặp nhiều khó khăn do diễn biến dịch bệnh phức tạp nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều giữa Việt Nam và EU vẫn đạt kết quả tích cực”, ông An cho biết thêm.
Đánh giá về thị trường EU, bà Nguyễn Thảo Hiền cho biết, EU là đối tác thương mại lớn hàng đầu của Việt Nam với trao đổi thương mại 2 chiều tăng trưởng trung bình khoảng 9% (từ năm 2015) và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam.
EU được nhận định là thị trường có dung lượng lớn với sự thống nhất trong đa dạng và nhiều dư địa tăng trưởng; đồng thời cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hoá giữa Việt Nam và EU phần nhiều mang tính bổ trợ thay vì cạnh tranh trực tiếp.
“Đáng chú ý, trong thời gian từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2021, khi cả EU và Việt Nam đều trải qua các làn sóng dịch Covid-19 hết sức căng thẳng thì kim ngạch xuất nhập khẩu song phương vẫn tăng trưởng, trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đã tăng trên 11%. Có thể nói tăng trưởng xuất khẩu vào EU thời gian qua là cứu cánh đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thương mại toàn cầu bị tắc nghẽn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và khủng hoảng về logistics”, theo bà Hiền.
Bà Hiền cho rằng, lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường EU hiện nay chính là ưu đãi thuế quan từ EVFTA. Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều ngành hàng như giày dép, dệt may, thủy sản, gỗ, rau quả đều đã tận dụng khá tốt và gia tăng được kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó, các mặt hàng nông sản, thực phẩm, rau quả xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng cao ở mức 20-30%/năm và không bị hạn chế về chủng loại, sản lượng.
Cùng với đó, xu hướng tiêu dùng của thị trường EU chủ yếu là các sản phẩm có quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, sản phẩm bền vững, sử dụng các nguyên vật liệu và bao bì tái chế, thân thiện môi trường; các sản phẩm có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng, thực phẩm hữu cơ; sản phẩm thông minh, tiện dụng, có khả năng sử dụng nhiều lần; sản phẩm có nhãn mác và xuất xứ rõ ràng, cụ thể; sản phẩm công nghệ số và một số mặt hàng đặc sản, mới lạ – đây là một trong những thế mạnh của Việt Nam khi có những sản phẩm độc đáo.
Ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng Thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng cho rằng, việc tiếp cận và duy trì hoạt động xuất nhập khẩu tại một thị trường lớn và đa dạng như EU không những giúp doanh nghiệp Việt Nam vượt qua được khó khăn trong và sau đại dịch, mà còn là nền tảng tốt để kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới.
Doanh nghiệp chú ý đến vấn đề an toàn thực phẩm
Theo bà Nguyễn Thảo Hiền thì hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU đang có nhiều lợi thế tuy nhiên sẽ không kéo dài lâu bởi quá trình phục hồi của EU sẽ rất ngắn, chỉ trong vòng 6 tháng đến 1 năm nữa các chuỗi cung ứng mới sẽ đi vào ổn định, việc thâm nhập thị trường của các doanh nghiệp mới sẽ khó khăn hơn.
Thêm vào đó, nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng đã xúc tiến đàm phán hiệp định thương mại tự do với EU để khai thác thị trường nhiều tiềm năng này, áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng dần. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam, dù đang khó khăn sau thời gian giãn cách phải dồn mọi nguồn lực để khôi phục sản xuất, tận dụng tốt nhất thời cơ hiện nay để củng cố và phát triển thị phần tại thị trường EU.
Theo ông Châu Việt Bắc, vốn là một thị trường khó tính, việc xuất khẩu hàng hóa vào châu Âu là cuộc cạnh tranh rất khắc nghiệt và đầy thách thức. Từ thực tiễn các vụ tranh chấp đã xảy ra và được giải quyết trong thời gian vừa qua, doanh nghiệp Việt đang có một số vấn đề về pháp lý liên quan đến chất lượng và nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, dẫn đến phải chịu các thiệt hại không đáng có và phải gánh các hậu quả pháp lý.
Theo đó, để duy trì được thị phần, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu đầy đủ những quy định của đối tác và có biện pháp kịp thời để khắc phục những hạn chế. Thông qua đầu tư về thương hiệu, nhãn mác, bao bì, liên tục cập nhật về thị hiếu của người tiêu dùng tại EU…
Ông Vũ Chiến Thắng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Tây Ban Nha cho rằng các doanh nghiệp Việt nên đặc biệt chú ý đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Cần chú ý từ khâu nuôi trồng, sản xuất, thu mua, chế biến, chuyên chở… để không vi phạm các quy định hiện hành của EU, giữ được niềm tin, chữ tín với doanh nghiệp, bạn hàng EU.
Hơn nữa, sau đại dịch, xu hướng tiêu dùng của nhiều người dân châu Âu đã thay đổi, ưu tiên cao hơn cho những sản phẩm thông minh, tiện ích, đáp ứng phát triển bền vững; với thực phẩm thì yêu cầu về an toàn sức khỏe, vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Về phương thức mua bán, thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh, bao gồm cả thương mại điện tử xuyên biên giới.
Ông Thắng cũng cho biết, EU cũng ngày càng quan tâm đến trách nhiệm xã hội của nước xuất khẩu, cụ thể về an toàn lao động, môi trường và những điều kiện về lao động khác. Đây được coi là điều kiện ràng buộc của các nước EU trong đó có Tây Ban Nha, khi ký kết các hợp đồng mua bán. Bản thân các điều khoản trong EVFTA cũng có quy định riêng về hàng hóa, bảo vệ môi trường.
Vì vậy, doanh nghiệp phải chủ động theo dõi sát sao các biến động thị trường và nắm bắt thông tin Hiệp định EVFTA. Xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh bài bản trong trung hạn và dài hạn. Kịp thời nắm bắt các xu hướng tiêu dùng mới, đa dạng hóa thị trường.
Cùng với đó, gia tăng sản phẩm trên các thị trường ngách, tiếp cận thêm các thị trường mới, đầu tư phát triển các dòng sản phẩm hữu cơ. Đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu, đa dạng hóa các hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại, tận dụng các công cụ trực tuyến.
Bà Nguyễn Thảo Hiền cũng cho rằng: “Quan trọng nhất là doanh nghiệp cần bám sát thị trường, xây dựng kế hoạch kinh doanh bài bản, chung, dài hạn. Tận dụng công nghệ tiên tiến từ nguồn đầu tư Châu Âu để các sản phẩm mình sản xuất ra phù hợp với tiểu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật của Châu Âu”.
Trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp, doanh nghiệp Việt Nam cần tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường trực tuyến, đăng ký tham gia gian hàng ảo, trưng bày sản phẩm từ xa, tham gia các hội chợ quốc tế,…
Thực hiện đề án đưa hàng Việt Nam trực tiếp đến kênh phân phối như các đơn vị siêu thị sở tại, nhanh nhạy trong nắm bắt thông tin và tư duy linh hoạt, lợi dụng những điều kiện tốt để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, một số chuyên gia khác cũng cho rằng, nhà nước cần tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, đẩy mạnh kích cầu, thúc đẩy nỗ lực tái cấu trúc nền kinh tế, tái cấu trúc không gian thị trường của nền kinh tế Việt Nam theo hướng tăng cường tính tự chủ, giảm lệ thuộc vào các thị trường; mà còn phải tái cấu trúc về thể chế, tạo môi trường, cơ chế thông thoáng để tận dụng các luồng đầu tư mới, nâng cao năng lực sản xuất trong nước và gia tăng xuất khẩu.
Chính phủ cần tăng cường các biện pháp quản lý nhằm dự báo, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ để phát triển bền vững sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, nhất là khi chủ nghĩa bảo hộ tiếp tục có xu hướng gia tăng, khai thác triệt để Hiệp định EVFTA, biến tiềm năng và lợi thế của hiệp định thành hiện thực.
Theo Bảo Phương/Chất lượng&Cuộc sống