Theo Vasep thì xuất khẩu thủy sản tháng 10 đã có những tín hiệu tích cực, với con số 918 triệu USD, gần tương đương với cùng kỳ năm 2020 và tăng 47% so với tháng 9/2021.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), xuất khẩu hầu hết các sản phẩm chính đều tăng trưởng trở lại: Cá ngừ và mực bạch tuộc đều tăng 18%, cua ghẹ tăng 13%, tôm tăng 1,6%. Những con số tăng trưởng cho thấy, sản xuất xuất khẩu thủy sản đang dần ổn định và hồi phục rõ rệt.
Riêng cá tra vẫn giảm 18%, doanh số xuất khẩu trong tháng 10 chỉ đạt 139 triệu USD, do thiếu nguyên liệu, hoạt động sản xuất, chế biến cá tra ở các địa phương vẫn cầm chừng vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong tháng 10/2021,xuất khẩu thủy sản sang Mỹ hồi phục mạnh nhất, tăng 31%, sang EU tăng 9%, sang Hàn Quốc tăng 20%, sang Canada tăng 17%. Tuy nhiên, xuất khẩu sang Trung Quốc tiếp tục giảm sâu 43%.
Tính đến hết tháng 10/2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 7,1 tỷ USD, tăng nhẹ 2,4%, trong đó tôm đạt 3,2 tỷ USD, tăng 2,6%; cá tra đạt 1,2 tỷ USD tương đương cùng kỳ năm ngoái; cá ngừ đạt 598 triệu USD, tăng 10%; mực, bạch tuộc đạt 475 triệu USD, tăng 4,5%; các loại cá khác giảm gần 1%, đạt 1,36 tỷ USD. Riêng nhuyễn thể hai mảnh vỏ vẫn giữ được tăng trưởng cao 39% sau 10 tháng, đạt 113 triệu USD.
Mỹ chiếm 24% kim ngạch với gần 1,7 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ; Nhật Bản chiếm 15% với 1,08 tỷ USD, giảm 7%. Trung Quốc và EU đều chiếm 12% với giá trị lần lượt là 872 triệu USD, giảm 24% và 864 triệu USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu sang Hàn Quốc chiếm 9%, đạt 643 triệu USD, tăng nhẹ 2%.
Theo Vasep thì nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu vẫn cao, sản xuất chế biến thủy sản đang trên đà hồi phục và hy vọng sẽ tăng trưởng trở lại trong 2 tháng tới khi tỷ lệ tiêm vắc xin ở các tỉnh ĐBSCL tăng lên nhanh chóng, hạn chế tác động của dịch Covid-19.
Theo Bảo Phương/Chất lượng&Cuộc sống