Cổ phiếu thép có cơ hội

Mặc dù thị trường xây dựng trong nước thời gian qua khá ảm đạm do nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, nhóm cổ phiếu ngành thép vẫn có thể hưởng lợi nhờ sản lượng xuất khẩu lớn sang các thị trường nước ngoài như châu Âu, Mỹ (tôn mạ) và Trung Quốc (phôi thép).

Giá thép tại các thị trường này có xu hướng tăng giúp biên lợi nhuận được đảm bảo và cải thiện.

Nhân tố bất ngờ cho ngành là vấn đề thiếu điện nghiêm trọng tại Trung Quốc. Sản xuất công nghiệp Trung Quốc phục hồi nhanh sau đại dịch đã gây áp lực lên hệ thống điện quốc gia. Theo Tân Hoa Xã, tiêu thụ điện của Trung Quốc đã tăng 13,5% trong 8 tháng đầu năm 2021, tuy nhiên sản lượng điện lại chỉ tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tình trạng mất cân bằng cung – cầu này chủ yếu do các nhà máy nhiệt điện cắt giảm sản lượng để tránh thua lỗ trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào tăng cao, trong khi thời tiết bất lợi khiến sản lượng điện tái tạo không đạt kỳ vọng. Tình trạng thiếu điện trở nên trầm trọng trong tháng 9/2021 khi có 17/31 tỉnh và khu vực tại Trung Quốc thông báo về tình trạng cắt điện, trong đó có rất nhiều tỉnh đang là thủ phủ sản xuất công nghiệp như Hà Bắc, Sơn Đông, Liêu Ninh.

co phieu thep co co hoi
Ảnh minh họa.

Các ngành sản xuất thâm dụng điện như thép, xi măng đang đứng đầu trong danh sách yêu cầu hạn chế sản xuất nhằm giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia. Sản lượng sản xuất thép của Trung Quốc trong tháng 8/2021 đã giảm 12,2%. Thêm vào đó, mức tồn kho thép và xi măng tại Trung Quốc đều đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm, trong khi nhu cầu lại tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi, đẩy giá bán các mặt hàng này có dấu hiệu tăng đáng kể từ tháng 8/2021.

Theo nhận định của chứng khoán VNDirect, sản lượng thép, xi măng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng mạnh trong tháng 8-9 so với giai đoạn tháng 5-7 trước đó, cùng lúc thời điểm các nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại Trung Quốc bị yêu cầu cắt giảm công suất do thiếu điện.

Thép Hòa Phát (HPG) nằm trong danh sách những đơn vị hưởng lợi nhờ năng lực sản xuất lớn và sản phẩm đa dạng. Ban lãnh đạo công ty cho biết sản lượng tiêu thụ phôi thép của công ty trong tháng 9/2021 đạt 140.000 tấn, tăng mạnh so với mức 164.000 tấn trong 4 tháng từ tháng 5-8/2021. Trong đó, sản lượng xuất khẩu phôi thép đi Trung Quốc chiếm tỷ trọng chủ yếu.

Theo Công ty Chứng khoán SSI, ước tính HPG có thể đạt 8,7 nghìn tỷ đồng lợi nhuận ròng trong quý III/2021, tăng trưởng đáng kể 131% so với cùng kỳ nhờ sản lượng thép cán nóng HRC tăng mạnh 167% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mảng có biên lợi nhuận cao nhất trong số các dòng sản phẩm. Ngoài ra, giá thép xây dựng tăng 50% và giá HRC tăng gấp đôi cũng giúp biên lợi nhuận của Hòa Phát tăng đáng kể so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp tôn mạ cũng sẽ được hưởng lợi gián tiếp khi áp lực cạnh tranh từ tôn mạ Trung Quốc tại các thị trường xuất khẩu khác giảm. Tại Hoa Sen, xuất khẩu đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh năm nay. Trong quý III/2021, công ty đã xuất khẩu tổng cộng 314.372 tấn thép (tăng 139,6% so với cùng kỳ) và chiếm tới 49,5% tổng sản lượng tiêu thụ toàn công ty. Các thị trường xuất khẩu chính bao gồm khối ASEAN, châu Âu và Bắc Mỹ. Được biết, tỷ suất lợi nhuận cho các đơn hàng xuất khẩu tiếp tục cao hơn so với thị trường trong nước do chênh lệch lớn về giá thép tại Việt Nam với các quốc gia khác.

Dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho biết tính chung 8 tháng, cả nước xuất khẩu 8,54 triệu tấn sắt thép các loại, trị giá gần 7,1 tỷ USD, tăng 43,4% về lượng và 127% về giá trị so với cùng kỳ 2020. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là tôn mạ (tỷ trọng 50-70%), thép xây dựng (10-15%), và các loại sắt thép khác.

Theo Nam Minh/Thời báo Ngân hàng