Nông – lâm – thủy sản vẫn duy trì xuất siêu

Ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) cho biết, 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông – lâm – thủy sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 15,8 tỷ USD, tăng 14,4%; lâm sản chính đạt khoảng 11,97 tỷ USD, tăng 31,6%; thủy sản đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 2,4%; chăn nuôi ước đạt 345 triệu USD, tăng 17,5%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,3 tỷ USD, tăng 31,6%. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu nông – lâm – thủy sản, nhất là nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh, ước đạt 32,2 tỷ USD, tăng 41,6%. Do vậy, xuất siêu 9 tháng dù đạt trên 3,3 tỷ USD nhưng giảm 55,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

nong lam thuy san van duy tri xuat sieu
Giá trị xuất khẩu toàn ngành có thể đạt kế hoạch đề ra là 44 tỷ USD

Về thị trường xuất khẩu, khu vực châu Á (chiếm 42,2% thị phần), Hoa Kỳ (30,7%), châu Âu (11,3%), châu Đại Dương (1,5%) và châu Phi (1,9%). Trong đó, 4 thị trường xuất khẩu chính là Hoa Kỳ (28,6%), Trung Quốc (19,1%), Nhật Bản (6,8%) và Hàn Quốc (4,3%).

Tăng trưởng của ngành nông nghiệp cũng đứng trước nhiều khó khăn trong tình hình dịch Covid-19. Trong quý IV/2021, tăng trưởng của ngành sẽ dựa vào chăn nuôi và thủy sản nhiều, nhưng hiện hai ngành này đang rất khó khăn. Chăn nuôi giá bán ra thấp, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi, giá thức ăn thủy sản tăng. Tất cả những vấn đề này đặt ra bài toán rất lớn, ông Nguyễn Văn Việt cho biết thêm.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ NN&PTNT diễn ra mới đây, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế – Bộ NN&PTNT cho biết, Việt Nam và Hoa Kỳ khép lại vụ Điều tra 301 về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Việc điều tra này được tiến hành trong vòng 1 năm qua, đến ngày 1/10 vừa qua, chính thức được khép lại khi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thay mặt Chính phủ Việt Nam đã ký thỏa thuận với Trưởng đại diện thương mại (USTR) của Chính phủ Hoa Kỳ về kiểm soát khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Thỏa thuận này có 3 ý nghĩa lớn: thứ nhất đó là Hoa Kỳ không áp thuế với gỗ Việt Nam (đây là thị trường lớn nhất của xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam), điều này có ý nghĩa rất quan trọng. Thứ hai, qua vụ việc này để thấy Việt Nam chia sẻ thông tin rất minh bạch cho Hoa Kỳ, thể hiện nền nông nghiệp có uy tín, trách nhiệm bền vững. Thứ ba, với thỏa thuận thương mại quốc tế trên sẽ giúp chuyển đổi ngành lâm nghiệp Việt Nam theo cách làm căn cơ, bài bản, theo đúng hướng bền vững, tăng trưởng nhanh.

Dư luận của báo chí Hoa Kỳ sau khi kết thúc vụ việc điều tra đều lấy Việt Nam làm hình mẫu về thoả thuận thương mại bền vững trên toàn cầu.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), 9 tháng năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 11,97 tỷ USD, tăng 31,9% so với cùng kỳ. Trong đó, gỗ và sản phẩm gỗ 11,14 tỷ USD, tăng 30,9%; lâm sản ngoài gỗ đạt 832 triệu USD, tăng 46,4% so cùng kỳ. Các thị trường xuất khẩu gỗ và lâm sản chính của Việt Nam là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc. Theo đó, bất chấp bối cảnh khó khăn của đại dịch Covid-19, xuất khẩu nhóm hàng này sang Hoa Kỳ 8 tháng năm 2021 thu về 6,4 tỷ USD, tăng 58,8% so với cùng kỳ 2020.

Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, 9 tháng qua và đặc biệt là quý III, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng toàn ngành đã chủ động, linh hoạt chỉ đạo điều hành sản xuất, hỗ trợ người dân điều chỉnh kế hoạch sản xuất, áp dụng kỹ thuật; cùng các địa phương, doanh nghiệp… khắc phục khó khăn. Tinh thần xuyên suốt là khó khăn nhiều, thách thức lớn, nhưng phải hết sức bình tĩnh, “nóng nhưng không vội” để cùng nhau chung sức, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ một cách chủ động, sáng tạo, hiệu quả, “biến nguy thành cơ”, từng bước phát huy lợi thế trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu nông – lâm – thủy sản; vừa đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân trong nước góp phần đảm bảo an sinh xã hội, vừa phục vụ xuất khẩu.

Ông Phùng Đức Tiến cho rằng, giá trị xuất khẩu toàn ngành có thể đạt kế hoạch đề ra là 44 tỷ USD. Tuy nhiên, đấy mới chỉ là tính toán sơ bộ bởi xuất khẩu cũng có những khó khăn cần lưu tâm như nguồn nguyên liệu không còn, ảnh hưởng dịch bệnh…

Dù ngành nông nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản, Bộ NN&PTNT đã ban hành kế hoạch hành động theo các nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 tại từng tỉnh, thành phố trong những tháng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 và để xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Trong đó, tăng cường kết nối, phối hợp với các đơn vị viễn thông để hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp và thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ nông sản, tăng cường giao dịch điện tử.

Theo Hồng Hạnh/Thời báo Ngân hàng