UBND TP.HCM vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải góp ý đề xuất dự án Đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, vốn vay JICA.
Theo UBND TP.HCM, tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là trục giao thông chính rất quan trọng, trong đó tuyến này là một phân tuyến thuộc đường trục cao tốc Bắc – Nam phía Đông, nhằm kết nối TP.HCM với các tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Cảng hàng không Quốc tế Long Thành nói riêng và cả nước nói chung nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, hiện nay tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đang khai thác với quy mô 4 làn cao tốc không đảm bảo năng lực thông hành, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm hoặc khi xảy ra các tai nạn, sự cố làm phương tiện chết máy, đặc biệt tại khu vực nút giao An Phú, trạm thu phí Long Phước. Do đó, việc đầu tư mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây là rất cần thiết.
UBND TP.HCM đề nghị đầu tư mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây giai đoạn năm 2021 – 2025 với điểm đầu của dự án sau nút giao An Phú thuộc phường An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM và điểm cuối (Km24+558) tại vị trí giao dự kiến với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu thuộc thị trấn Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Theo quy hoạch, lộ giới đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây bao gồm đường cao tốc, đường song hành, đường sắt TP.HCM – Nha Trang, đường sắt nhẹ TP.HCM – Thủ Thiêm.
Do đó, cần rà soát kỹ lưỡng các quy hoạch có liên quan các quy hoạch chung của TP.HCM, TP.Thủ Đức và các quy hoạch phân khu dọc hai bên tuyến…, các quy định về hành lang an toàn tuyến cao tốc, các tuyến đường sắt, hiện trạng tuyến đường (bao gồm ranh giải phóng mặt bằng giai đoạn 1, ranh các dự án đang thực hiện dọc hai bên tuyến, vị trí Trung tâm điều hành đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây tại khu vực trạm thu phí Long Phước…) để hoàn thiện thiết kế mặt cắt ngang hoàn chỉnh theo lộ giới quy hoạch đường cao tốc để làm cơ sở xem xét, đánh giá tổng thể sự phù hợp của thiết kế, làm cơ sở để việc xác định ranh bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án giai đoạn hiện nay…
Về công tác giải phóng mặt bằng, pháp lý quy hoạch, đây là nội dung công việc ảnh hưởng lớn đến giá trị tổng mức đầu tư và tiến độ triển khai dự án, do đó UBND TP.HCM đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm việc cụ thể với UBND TP.Thủ Đức về công tác giải phong mặt bằng, công tác quy hoạch và các nội dung khác có liên quan…
UBND TP.HCM cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải lưu ý tính toán lưu lượng xe, phương án kết nối với các công trình (Cảng hàng không, nhà ga, bên xe, khu công nghiệp, khu kinh tế, các khu dân cư,… các tuyến đường vành đai, trục chính,…) nhằm đảm bảo kết nối đồng bộ, đảm bảo tính khả thi trong vận tải hành khách công cộng và lưu thông hàng hóa, phát huy hiệu quả đầu tư khi Dự án mở rộng đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác…
Theo Minh Lâm/Thời báo Ngân hàng