Vietcombank xây dựng đội ngũ nhân lực đáp ứng tốt tiến trình chuyển đổi số

Ngân hàng TMCP Vietcombank chưa phải là ngân hàng có số lượng nhân sự đông nhất nhưng kết quả sản xuất-kinh doanh, chỉ số hiệu quả kinh doanh luôn xếp hàng đầu trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam. Một trong những động lực phát triển của ngân hàng này chính là nguồn nhân lực có chất lượng cao cùng với khả năng đào tạo, nâng cao nghiệp vụ nhân sự một cách bài bản, hiệu quả, thích ứng nhanh với tiến trình chuyển đổi số.

Toàn cảnh Trường đào tạo Vietcombank tại Ecopark
Nghị quyết của Đảng bộ Vietcombank về xây dựng, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đã chỉ rõ mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển, đổi mới, sáng tạo của nền kinh tế số, góp phần đưa Vietcombank trở thành ngân hàng đứng đầu về chất lượng nguồn lực và môi trường làm việc tại Việt Nam, khẳng định vị thế là một trong 50 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, một trong 200 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới, một trong 700 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất toàn cầu. Để thực hiện mục tiêu lớn đó, Vietcombank cần tập trung đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cũng như đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng.

Hướng đến mục tiêu đứng đầu về chất lượng nguồn nhân lực, Ban Lãnh đạo Vietcombank đặc biệt quan tâm tới hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Năm 2019, Vietcombank đã nâng cấp Trung tâm Đào tạo thành Trường Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực (Trường Đào tạo) với nhiệm vụ quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động đào tạo và các hoạt động nghiên cứu khoa học trong toàn hệ thống phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển của Vietcombank.

Ông Kiều Hữu Thiện, Giám đốc Trường Đào tạo cho hay, hoạt động đào tạo nghiệp vụ nhân sự của ngân hàng từng bước chuẩn hóa theo mô hình ADDIE, hoàn thành xây dựng và tổ chức đào tạo theo bản đồ đào tạo cho các vị trí tại chi nhánh.

Hệ thống E-learning được áp dụng phổ biến (số lượt đào tạo E-learning năm 2019 đạt 11669 lượt, năm 2020 đạt 25052 lượt, tăng lần lượt 7 và 15 lần so với năm 2018). Quy trình, nội dung và chất lượng số hóa bài giảng được cải thiện. Hệ thống Quản lý đào tạo (LMS) đang được khai thác và áp dụng với mục tiêu tự động hóa hoàn toàn việc đăng ký học, quản lý thông tin, theo dõi lịch sử đào tạo và lộ trình đào tạo của từng cán bộ.

Một cuộc thi nghiệp vụ nâng cao của Vietcombank
Bên cạnh đó, ông Kiều Hữu Thiện cho biết, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) được lãnh đạo Vietcombank đặc biệt quan tâm, có những định hướng, chỉ đạo và cơ chế khuyến khích.

Thứ nhất, công tác quản lý nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh theo hướng chuẩn mực hóa và gắn kết quả nghiên cứu với hoạt động kinh doanh của Vietcombank.

Thứ hai, có chính sách khuyến khích các đơn vị, cá nhân tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) như chính sách chi trả thù lao cho các hoạt động nghiên cứu, tính điểm thưởng KPI cho các đơn vị có sản phẩm KH&CN. Bên cạnh đó, các đơn vị/cá nhân có thành tích tốt trong hoạt động KH&CN hằng năm đều được tuyên dương, khen thưởng.

Thứ ba, thành lập Nhóm nghiên cứu Vietcombank với các sản phẩm báo cáo vĩ mô, báo cáo chuyên đề…, góp phần vào việc dự báo và định hướng hoạt động của Vietcombank.

Thứ tư, mở rộng hoạt động hợp tác trong công tác NCKH với các đối tác như Viện Chiến lược NHNN, các viện nghiên cứu, trường đại học…, giúp hoạt động KH&CN của Vietcombank được mở rộng, tăng tính chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng.

Thực hiện chương trình hành động chuyển đổi số của VCB đến năm 2025, việc ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động quản lý và nghiên cứu khoa học đã và đang được các đơn vị chủ động triển khai. Chương trình quản lý dữ liệu danh mục nhiệm vụ KH&CN nhằm tối ưu hóa quy trình, tự động hóa tác nghiệp đang được phối hợp xây dựng.

Theo Anh Minh/baochinhphu.vn