Thị trường chứng khoán ngày 18/8 giao dịch khá giằng co khi sự phân hoá gia tăng ở hầu hết các nhóm ngành.
Có thời điểm, VN-Index đã tăng hơn 7 điểm nhưng áp lực bán mạnh về cuối phiên khiến VN-Index kết thúc phiên giảm nhẹ 2,15 điểm (0,16%) còn 1.360,94 điểm, HNX-Index tăng 1,71 điểm (0,5%) lên 344,82 điểm, UPCoM-Index tăng 0,3% lên 94,48 điểm.
Điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu bluechips phân hóa mạnh khi VIC, VHM, SSI, PNJ, VRE… giảm điểm còn VNM, GAS, BVH, FPT, SAB… tăng điểm. Sự suy yếu của cổ phiếu ngân hàng với nhiều cổ phiếu giảm điểm như TCB, BID, VPB, CTG, MBB… đã gia tăng áp lực lên các chỉ số.
Bên cạnh đó, tình trạng phân hoá ở nhiều nhóm cổ phiếu có tính thị trường cao như bất động sản, vật liệu xây dựng, xây dựng… cũng khiến thị trường không có nhiều sự hỗ trợ. Trong khi đó, cổ phiếu chứng khoán tiếp tục thu hút dòng tiền dù SSI, FTS giảm điểm nhưng nhiều mã như VND, VCI, HCM, MBS… tăng điểm, thậm chí VIX, EVS… còn tăng hết biên. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ so với phiên hôm trước với tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn đạt hơn 30.000 tỷ đồng.
Giao dịch khối ngoại tiếp tục không tích cực khi các nhà đầu tư bán ròng với giá trị hơn 1.886 tỷ đồng. Đây là phiên bán ròng mạnh nhất của các nhà đầu tư ngoại trên thị trường Việt Nam kể từ phiên giao dịch 15/1/2021.
Cụ thể, trên HoSE, khối ngoại hôm nay đẩy mạnh bán ròng hơn 35 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn hơn 1.886 tỷ đồng, trong đó, VHM bị bán ròng nhiều nhất với giá trị hơn 444 tỷ đồng. Tiếp đến là chứng chỉ quỹ FUEVFVND (301 tỷ đồng), SSI (268 tỷ đồng), VNM (163 tỷ đồng), VIC (118 tỷ đồng), NVL (88 tỷ đồng).
Trên HNX, khối ngoại bán ròng hơn 815 nghìn cổ phiếu, giá trị bán ròng đạt gần 42 tỷ đồng, tập trung vào các mã VND hơn 49 tỷ đồng, DXP (6 tỷ đồng), BVS (3 tỷ đồng), SHS (2 tỷ đồng)…
Ngược lại trên UPCoM, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng 42 tỷ đồng, tập trung vào các mã CTR với giá trị hơn 16 tỷ đồng, QNS (13 tỷ đồng), ABI (4 tỷ đồng), MCH (4 tỷ đồng), ACV (3 tỷ đồng)…
Nhận định thị trường cơ sở, các chuyên gia phân tích chứng khoán cho biết, chứng khoán châu Á hồi phục sau chuỗi giảm điểm gần đây. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam lại kết thúc phiên trong sắc đỏ dù có thời điểm đã tăng điểm khá tích cực. Sự phân hoá gia tăng ở hầu hết các nhóm cổ phiếu cùng sự suy yếu của cổ phiếu ngân hàng và nhóm Vingroup đã tạo ra áp lực lớn cho các chỉ số.
Về kỹ thuật, Công ty CP Chứng khoán BOS cho biết, VN-Index đóng cửa tại ngưỡng 1.360 điểm cùng việc hình thành hình thái nến Doji trong phiên hôm nay cho thấy sự giằng co giữa lực mua và lực bán trên thị trường. Các chỉ báo kỹ thuật như RSI, ROC, RSI, Stoch, MFI… vẫn cảnh báo về rủi ro giảm điểm đang có phần lấn át trong ngắn hạn. Vùng hỗ trợ gần quanh 1.345 (+/-5) điểm sẽ đóng vai trò điểm đỡ đáng lưu ý của chỉ số.
Dù vậy, lực bán không quá lớn nên nhiều khả năng VN-Index sẽ giằng co trong vùng quanh mốc 1.360 điểm trong các phiên tới. Vì vậy, nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp rung lắc để cơ cấu danh mục.
Dưới góc nhìn của mình, Công ty CP Chứng khoán SSI cho biết, trong nỗ lực cân bằng, thị trường có phiên giao dịch với biên độ hẹp quanh tham chiếu. Từ nửa cuối phiên chiều, bên bán đẩy mạnh hơn tuy nhiên cầu giá thấp kích hoạt nhanh giúp các chỉ số thu hẹp đà giảm và đóng cửa chỉ mất điểm nhẹ so với phiên trước.
Chỉ số VN-Index giảm 2,15 điểm (0,16%) về còn 1.360,94 điểm. Số mã tăng và số mã giảm trên HoSE không quá chênh lệch, tuy nhiên ở quy mô nhóm VN30 có số mã giảm lên đến 16 mã. Diễn biến này khiến chỉ số VN30 giảm 4,58 điểm (0,31%) mạnh hơn mặt bằng chung, trong khi đó chỉ số VNMidcap và VNSmallcap tiếp tục duy trì sát mức tham chiếu khi giảm 0,03% và tăng 0,08%.
Ở nhóm trụ cột, các cổ phiếu Ngân hàng suy yếu trở lại khi hầu hết các mã đều đóng cửa từ tham chiếu trở xuống; trong đó VPB, TCB, BID gây áp lực nhiều nhất lên thị trường. Vai trò nâng đỡ được ghi nhận ở 3 cổ phiếu hàng tiêu dùng là MSN, VNM và MWG bên cạnh REE, BVH. REE đảo chiều ngoạn mục từ mức giá đỏ cho đến khi dư mua trần cuối phiên với Khối lượng giao dịch đột biến. Nhóm Vingroup cả 3 mã đều mất điểm trong phiên này, sau phiên giảm mạnh hôm qua VHM trồi sụt khá mạnh quanh tham chiếu và đóng cửa chậm lại đà giảm với mức 0,9%.
Dầu khí tiếp tục duy trì trạng thái giao dịch cân bằng, hầu hết đóng cửa trên nhẹ mức tham chiếu. PVS tăng mạnh nhất 1,9%, PVD tăng 1%, PLX và GAS gần như không đổi. Hai cổ phiếu dầu khí trên UPCoM là BSR và OIL đóng cửa lần lượt ở mức tham chiếu và tăng 1,5%. Nhóm Phân bón vận động kém tích cực do cung chốt lời giá thấp gia tăng. BFC giảm mạnh nhất 4,7%, riêng DPM và DCM giảm tương ứng 3,3% và 1%.
Nhóm Thép – Tôn mạ chậm lại đà tăng từ phiên hôm qua. Cầu giá xanh duy trì tốt ở NKG giúp mã này đóng cửa tăng phiên thứ 4 liên tiếp dù đà tăng có thu hẹp. HSG tăng nhẹ 0,3% trong khi HPG đóng cửa ở mức tham chiếu. Khối ngoại tiếp tục bán ròng HPG trong phiên hôm nay.
Ở nhóm vốn hóa nhỏ hơn, sắc xanh tương đối chiếm ưu thế. Khu công nghiệp có NTC, IDC, BCM, SZC, KBC cùng tăng nhẹ. Dệt may và Thủy sản ghi nhận nhiều mã tăng tốt hơn thị trường như GIL, ADS, TNG, ANV, FMC, MPC…
Công ty CP Chứng khoán BSC thì cho biết, VN-Index duy trì xu hướng giằng co quanh ngưỡng 1.360 điểm trong phiên giao dịch hôm nay. Dòng tiền đầu tư chảy vào thị trường khi có 10/19 nhóm ngành tăng điểm với mũi nhọn đến từ nhóm cổ phiếu Bảo hiểm và chứng khoán. Độ rộng thị trường duy trì trạng thái tiêu cực với thanh khoản giảm nhẹ so với phiên trước. Trong khi đó, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trên cả 2 sàn HNX và HSX. Mặc dù thị trường điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.350-1.360 điểm, việc thanh khoản duy trì ở mức cao có thể củng cố lực hỗ trợ tại vùng này.
Theo Quốc Tuấn/Thời báo Ngân hàng