Bộ Công Thương đang đề xuất giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi cho hàng hóa ở cảng biển và các trung tâm logistics cho những doanh nghiệp chịu tác động của dịch COVID-19.
Ngày 10/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã ký công văn số 4812/BCT-XNK gửi Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam; Hiệp hội Cảng biển Việt Nam; các đơn vị quản lý, khai thác cảng biển; các doanh nghiệp vận tải biển (hãng tàu); các trung tâm logistics xem xét giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi về việc giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi.
Trong công văn, Bộ Công Thương nêu rõ hiện nay, 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An là những địa phương có sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn.
Việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và phòng, chống dịch bệnh đã khiến một số doanh nghiệp phải tạm thời cắt giảm quy mô sản xuất, đãn đến ùn ứ container nhập khẩu; thời gian lưu kho, lưu bãi tăng lên và làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Trước tình hình đó, với tinh thần cả nước cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục và duy trì sản xuất để hoàn thành “mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra, Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị trên xem xét giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi cho hàng hóa ở cảng biển và các Trung tâm logistics cho các doanh nghiệp bị buộc phải cắt giảm sản xuất do tác động của dịch COVID-19.
Cùng với đó, lãnh đạo Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị nâng cao năng lực giải phóng hàng hóa ra khỏi cảng, năng lực khai thác của bãi cảng và phối hợp giữa các bên điều tiết lượng hàng nhập về cảng để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Liên quan tới vấn đề trên, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua các biển của Việt Nam vẫn được đảm bảo.
Tuy nhiên, hoạt động này sẽ tỷ lệ thuận với tình hình kiểm soát dịch COVID-19. Nếu dịch COVID-19 được kiểm soát tốt trong thời gian tới, hoạt động xuất nhập khẩu sẽ đảm bảo ổn định. Cục Hàng hải Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo chuỗi cung ứng logistics qua đường biển không bị “đứt gãy”.
Ông Hoàng Hồng Giang cho biết, sản lượng xuất nhập khẩu hàng hóa qua cảng biển của Việt Nam tính đến giữa tháng 7 vẫn tăng trưởng tốt. Nhưng, theo dự báo trong nửa cuối tháng 7 và tháng 8, sản lượng có thể bị giảm sút tại khu vực phía Nam là nơi nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội.
Theo số liệu của Cục Hàng hàng Việt Nam công bố trước đó, 7 tháng năm 2021, khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam hơn 425 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hàng xuất khẩu đạt hơn 106 triệu tấn, tăng 9%; hàng nhập khẩu đạt hơn 133 triệu tấn, tăng 2%; hàng nội địa đạt gần 184 triệu tấn, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Riêng hàng container, sản lượng thông qua cảng biển ước khoảng 14,7 triệu TEUs, tăng tới 21% so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là mức tăng trưởng hàng container cao trong vài năm trở lại đây.
Về vấn đề giá cước vận tải biển và phụ phí liên tục tăng thời gian qua, theo lý giải của các chuyên gia kinh tế, vận tải biển quốc tế là một chuỗi logistics từ nơi sản xuất đến nơi phân phối. Nhưng đến thời điểm này, Việt Nam chỉ có 38 chiếc tàu container, chiếm 3,7% trong cơ cấu đội tàu vận tải.
Trong bối cảnh vận tải hàng hóa theo xu hướng container hóa, thị phần của đội tàu Việt Nam ngày càng nhỏ và đến năm 2020 chỉ còn 5%. Hiện có 95% thị phần hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào 40 hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam. Thế nên, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không có cơ hội lựa chọn, buộc phải chấp nhận các điều kiện và chi phí do hãng tàu nước ngoài đưa ra.
Vì vậy, để chủ động nguồn container, giảm bớt lệ thuộc và giành lại thị phần từ tay các hãng tàu nước ngoài, Việt Nam cần tập trung đầu tư đội tàu vận tải biển đủ mạnh và xây dựng nhà máy sản xuất container để đón đầu xu hướng xuất siêu ngày càng tăng trong tương lai.
Theo Bảo An/Vietq.vn