Khai thác triệt để thanh toán QR Code

Thanh toán qua QR Code được dự báo sẽ còn bùng nổ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới khi mà mới đây NAPAS và một số ngân hàng như TPBank, MB, VietinBank, VietCapitalBank, ACB, VPBank, MSB, BIDV… đã chính thức ra mắt thương hiệu VietQR và dịch vụ Chuyển tiền nhanh NAPAS247 bằng mã QR.

Số liệu mới đây từ Vụ Thanh toán (NHNN) cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2021, thanh toán điện tử qua QR Code đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. So với cùng kỳ 4 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh QR Code đạt 7,2 triệu món với giá trị 6,38 tỷ đồng (tăng tương ứng 95,7% về số lượng; 181,5% về giá trị). Phương thức thanh toán bằng mã QR đang ngày càng phổ biến bởi sự tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm chi phí và đặc biệt là an toàn hơn sử dụng tiền mặt trong mùa dịch Covid-19 như hiện nay.

Thanh toán qua QR Code được dự báo sẽ còn bùng nổ mạnh mẽ hơn trong thời gian tới khi mà mới đây NAPAS và một số ngân hàng như TPBank, MB, VietinBank, VietCapitalBank, ACB, VPBank, MSB, BIDV… đã chính thức ra mắt thương hiệu VietQR và dịch vụ Chuyển tiền nhanh NAPAS247 bằng mã QR.

Ông Nguyễn Đăng Hùng – Phó tổng giám đốc NAPAS cho hay, việc ra mắt VietQR đã tạo ra một thương hiệu nhận diện chung, thống nhất với các ngân hàng nằm trong hệ thống của NAPAS bởi trước đó thì mã QR chưa có sự thống nhất. Đại diện NAPAS cũng kỳ vọng cuối năm nay, 90% nhà băng còn lại trong mạng lưới của NAPAS sẽ tham gia liên kết bởi chỉ sau 3 tháng triển khai, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 song tiện ích thanh toán mới này đã được 14/51 ngân hàng hưởng ứng, theo đó đã thay đổi ứng dụng mobile banking cho phù hợp để tích hợp tính năng mới “chuyển tiền bằng mã QR”.

khai thac triet de thanh toan qr code
So với cùng kỳ 4 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua QR Code tăng 95,7% về số lượng, 181,5% về giá trị

Tháng 3 vừa qua, NAPAS và Công ty Chuyển mạch Thái Lan (NITMX) cũng vừa chính thức công bố hoàn thành việc kết nối thanh toán bán lẻ sử dụng mã QR Code giữa Việt Nam và Thái Lan. Cái bắt tay này cũng sẽ thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch song phương cũng như việc tăng cường sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán giữa Việt Nam và Thái Lan.

TS. Cấn Văn Lực đánh giá, lợi ích lớn nhất của mã QR là tính linh hoạt, thuận tiện với cả người tiêu dùng, doanh nghiệp lẫn ngân hàng. Phương thức thanh toán mới này chắc chắn sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển thanh toán không tiền mặt, cung cấp cho khách hàng nhiều tiện ích mới trong chuyển tiền và thanh toán không tiếp xúc.

Phó tổng giám đốc VietinBank Trần Công Quỳnh Lân cũng chia sẻ, không chỉ tiện cho khách hàng mà với ngay cả người bán hàng, thanh toán qua mã QR bản thân họ cũng sẽ tiết kiệm được một phần chi phí đầu tư cho việc thu ngân, kiểm đếm tiền, hay chi phí khảo sát, lắp đặt, đầu tư thiết bị đầu cuối vật lý như khi lắp đặt máy POS… Hay với doanh nghiệp có nhiều điểm kinh doanh, nếu mỗi điểm kinh doanh được bố trí một mã QR thì việc quản lý thu chi cũng thuận tiện hơn nhiều.

Dưới góc độ ngân hàng, CEO một NHTMCP cho rằng thanh toán qua mã QR vừa tiết giảm được chi phí mà nhà băng bỏ ra đầu tư cho ATM, POS, vừa tăng khả năng mở rộng mạng lưới khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán, góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện. Trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20% -25% hàng năm. Kế hoạch chuyển đổi số của ngành Ngân hàng được Thống đốc phê duyệt vừa qua đặt chỉ tiêu về số lượng giao dịch của khách hàng trên các kênh số ít nhất 70% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030.

Với người tiêu dùng, đương nhiên là không thể bỏ qua một phương thức thanh toán tiện lợi như vậy. Chia sẻ với phóng viên, chị Huệ Phương (nhân viên văn phòng) cho biết: “Từ khi biết tới thanh toán qua QR code và nhận thấy rất nhiều cửa hàng đã chấp nhận phương thức thanh toán này thì tôi không cần mang theo tiền mặt hay thẻ ngân hàng nữa. Tôi cũng không phải lo lắng tới rủi ro thông tin lộ, lọt khi đưa thẻ thanh toán cho người bán hàng, việc thanh toán được diễn ra thuận tiện và nhanh chóng. Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, việc thanh toán qua QR code còn giảm thiểu rủi ro lây nhiễm dịch bệnh”.

Cũng như chị Phương, anh Xuân Hiếu (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) nhận thấy không chỉ nhanh, tiện lợi, mà thanh toán qua mã QR còn giảm thiểu việc tiếp xúc giữa người mua với người bán hàng, nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh như hiện nay. “Các giao dịch như chuyển khoản, gửi tiết kiệm, trả nợ vay, thanh toán hoá đơn như điện/nước/viễn thông… đã được tôi chuyển hẳn sang thanh toán mobile banking, giờ đây tính năng QR Pay phổ biến hơn thì càng thuận tiện với những người không quen sử dụng tiền mặt như tôi”, anh Hiếu cho hay.

Hiện nhiều quốc gia trên thế giới, hình thức thanh toán di động phổ biến nhất là thanh toán qua QR Code, thanh toán trên ứng dụng hay các website di động và thanh toán một chạm.

Khẳng định triển khai thanh toán QR Code là mắt xích trong chu trình xây dựng hệ sinh thái thanh toán qua di động (mobile payment), theo chuyên gia, bản thân các ngân hàng phải đặc biệt đẩy mạnh và quan tâm đầu tư tương xứng tới việc đảm bảo thông suốt, an toàn trong hoạt động thanh toán, đơn giản hoá các thủ tục cho merchant. Đồng thời hợp tác chặt chẽ với các đơn vị bên thứ ba cung cấp dịch vụ tài chính cho khách hàng… “Làm sao tìm mọi giải pháp để nhằm mục tiêu ứng dụng mobile của các ngân hàng cũng như các đơn vị cung cấp dịch vụ có thể kết nối được với nhau, tạo nên hệ sinh thái phong phú để đáp ứng được các nhu cầu của khách hàng nhanh chóng, mọi lúc, mọi nơi”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo Khuê Nguyễn/Thời báo Ngân hàng