Categories Ô tô – Xe máy

Tháo gỡ điểm nghẽn để phát triển công nghiệp ô tô

Với mục tiêu phát triển công nghiệp ô tô trong nước, giảm nhanh tỷ lệ nhập khẩu linh kiện và sản phẩm nguyên chiếc, Chính phủ đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô.

Các bộ, ngành chức năng cũng đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu hàng hóa, sản xuất, kinh doanh sản xuất các sản phẩm cơ khí nói chung, phụ tùng linh kiện, ô tô nói riêng. Cùng với đó là sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đầu tư công nghệ, nguồn nhân lực.

Thực tế cho thấy ngành công nghiệp ô tô đã có bước phát triển với sự gia tăng số lượng doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô. Hiện có khoảng 350 doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp, doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô, khung gầm, thân xe, thùng xe… Nhiều dự án sản xuất lắp ráp ô tô quy mô lớn đã hình thành và phát triển, đáp ứng nhu cầu trong nước, dần dần hình thành thương hiệu xe Việt Nam…

Tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô chủ yếu là nhỏ và vừa với quy mô cũng như năng lực còn yếu. Một số loại vật tư, nguyên liệu trong nước chưa sản xuất và sẽ chưa sớm sản xuất được như vòng bi, một số loại linh kiện điện tử…

thao go diem nghen de phat trien cong nghiep o to
Ảnh minh họa.

Nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, Chính phủ đã luôn cố gắng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp. Mà quan trọng hơn, đang góp phần tăng quy mô thị trường sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước tăng tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao sức cạnh tranh với xe nhập khẩu. Đây là động thái rất kịp thời để đón làn sóng chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Trong bối cảnh hiện nay, Bộ Công thương nhấn mạnh, thách thức lớn nhất của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam chính là dung lượng thị trường thấp và chênh lệch chi phí sản xuất cao. Đây đang là hai điểm nghẽn lớn nhất hiện nay với ngành.

Hiện tại, quy mô thị trường ô tô Việt Nam mới chỉ bằng 1/3 của Thái Lan và 1/4 của Indonesia. Thị trường nhỏ, bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp và nhiều model khác nhau khiến cho các công ty sản xuất (cả sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất linh kiện phụ tùng) rất khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt. Mặt khác, GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua chưa đủ để đa số người dân có thể sở hữu ô tô cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển, tạo ra lợi nhuận. Hệ thống giao thông yếu kém (mà chủ yếu do tổ chức giao thông kém) cũng đã ảnh hưởng không nhỏ tới cầu của thị trường, làm cho nhu cầu về sử dụng ô tô của nền kinh tế chưa lớn.

Bên cạnh đó, thì hiện chi phí sản xuất ô tô trong nước cũng cao hơn các quốc gia trong khu vực từ 10 – 20% khiến giá thành xe sản xuất trong nước chịu nhiều bất lợi so với xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN trong bối cảnh hàng rào thuế quan được gỡ bỏ. Dung lượng thị trường hiện tại của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn nhỏ, nên không tận dụng được lợi thế kinh tế theo quy mô của ngành, khiến các chi phí cao hơn so với các nước ASEAN khác vốn đã có thị trường và ngành công nghiệp ô tô đi trước rất lâu. Thêm nữa, các linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ô tô hầu hết phải nhập khẩu từ nước ngoài nên ảnh hưởng đến giá thành của xe sản xuất, lắp ráp trong nước.

Để khắc phục các điểm nghẽn nêu trên, Bộ Công thương đang phối hợp với các bộ, ngành và cơ quan liên quan đề xuất, triển khai một số giải pháp tạo dựng thị trường. Cụ thể, quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng xe ô tô của người dân, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Từ đó đưa ra các biện pháp hợp lý bảo đảm sự phát triển minh bạch, lành mạnh của thị trường ô tô trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật, các biện pháp chống gian lận thương mại. Đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước trong vấn đề kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Về lâu dài, muốn tháo gỡ vướng mắc chênh lệch chi phí sản xuất giữa ô tô trong nước và ô tô nhập khẩu, cần tiếp tục duy trì và triển khai có hiệu quả Chương trình ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện, phụ tùng cho hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó nhấn mạnh đến Chương trình ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành sản xuất, lắp ráp ô tô quy định tại Nghị định số 57/2020/NĐ-CP để hỗ trợ các doanh nghiệp giảm chi phí lắp ráp ô tô trong nước.

Theo Hữu An/Thời báo Ngân hàng