Categories Doanh nghiệp

Hàng không Việt Nam sẽ phục hồi giữa quý III/2021

Cục Hàng không Việt Nam – cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng không vừa đưa ra dự báo tình hình ngành hàng không năm 2021.

Báo cáo mới nhất gửi Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, việc tiêm vaccine rộng rãi sẽ tạo miễn dịch cộng đồng, để từng bước mở lại hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế vào cuối quý III, đầu quý IV/2021.

Thêm vào đó, về hạ tầng cảng hàng không, trong nửa đầu năm 2021, ngành hàng không đã hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào khai thác giai đoạn 1 dự án cải tạo đường cất – hạ cánh tại cả 2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Hiện tại, giai đoạn 2 dự án cải tạo đường cất hạ cánh 1B Cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng đang được gấp rút thi công và dự kiến sẽ hoàn thành đúng kế hoạch trong tháng 7/2021. Khi hoàn thành sửa chữa, 2 sân bay lớn nhất nước được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu khai thác trở lại của các hãng hàng không.

Với những điều kiện nêu trên, Cục Hàng không Việt Nam đưa ra dự báo thị trường hàng không Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi từ giữa quý III/2021 với sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam năm 2021 ước đạt trên 70 triệu hành khách.

Hàng không Việt Nam sẽ phục hồi giữa quý III/2021.

Số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, với 2 đợt dịch bùng phát dịch bệnh COVID-19 vào đúng thời điểm bắt đầu giai đoạn cao điểm bay nội địa là Tết Nguyên đán và nghỉ Hè (từ 30/4-1/5), đặc biệt từ ngày 31/5/2021 khi TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội toàn TP theo Chỉ thị 15, hoạt động vận chuyển hành khách nội địa bằng đường hàng không sụt giảm nghiêm trọng với sản lượng hằng ngày chỉ còn 20-30% so với giai đoạn tháng 3-4/2021. Thậm chí, các ngày của 2 tuần đầu tháng 6 chỉ tương ứng 5-10% lượng vận chuyển trung bình tháng 4/2021.

Sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 26,8 triệu lượt hành khách, giảm 19,4% so cùng kỳ 2020 (145.000 khách quốc tế, giảm 97,9% và 26,7 triệu khách nội địa, tăng 1,4%) và 668.000 tấn hàng hóa, tăng 12,7% so cùng kỳ 2020 (490.000 tấn hàng hóa quốc tế, tăng 18,1% và 179.000 tấn hàng hóa nội địa, tăng 0,3%).

Hiện chỉ còn khoảng 30 hãng hàng không nước ngoài từ các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Đông và Pháp khai thác các chuyến bay chở hàng hóa, nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, người lao động tay nghề cao, sinh viên nước ngoài… đi/đến Việt Nam.

Trong điều kiện các đường bay quốc tế chở khách chưa thể khai thác trở lại, các hãng hàng không Việt Nam đã dùng phần lớn nguồn lực đội tàu bay vào khai thác các đường bay nội địa với năng lực tăng vọt cả về tần suất và số lượng đường bay.

Theo đó, số lượng đường bay nội địa của các hãng hàng không Việt Nam có thời điểm đạt 62 đường bay, tăng 10 đường so với năm 2019. Với việc đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa, trong 6 tháng đầu năm 2021, nhiều giai đoạn số lượng chuyến bay cũng như lượng khách vận chuyển trên các đường bay nội địa đã cao hơn so với cùng thời điểm năm 2019. Thậm chí, nhiều giai đoạn trong 6 tháng đầu năm, các hãng gặp tình trạng không đủ slot để tăng tần suất trên nhiều đường bay nội địa dù Cục Hàng không Việt Nam đã chủ động chia slot do các hãng hàng không nước ngoài không khai thác trả lại theo quy định.

Trong dự thảo báo cáo Thủ tướng về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và năm tháng đầu năm 2021, Bộ Kế hoạch Đầu tư dẫn hàng không là nhóm có doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, khiến “các doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực phá sản”.

Bộ dự báo, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động vận tải hàng không sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm 2021. Nếu Covid-19 được kiềm chế, phải đến năm 2024, ngành mới có thể phục hồi như trước khi có dịch.

Cơ quan này cũng dẫn báo cáo của Vietnam Airlines cho thấy dự kiến số lỗ của quý I ở mức 4.800 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm có thể lên đến 10.000 tỷ đồng. Hiện, số nợ Vietnam Airlines phải trả quá hạn đã tới 6.240 tỷ đồng và đang rơi vào trạng thái cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản.

Cùng với Vietnam Airlines, các hãng hàng không tư nhân như Bamboo Airways và Vietjet Air, trong năm 2020 cũng đã cố gắng tối ưu hóa mọi hoạt động khai thác và duy trì được sản xuất kinh doanh thông qua việc chuyển nhượng các tài sản và dự án đầu tư tài chính đã được tích lũy trong giai đoạn trước. Tuy nhiên, dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2021 và đang dần hết nguồn lực về tài chính để hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không. Ước tính Vietjet thiếu hụt 10.000 tỷ đồng để hỗ trợ hoạt động kinh doanh.

Theo Phương Nam/Vietq.vn