Với sức “tàn phá” kinh khủng của dịch bệnh Covid-19 đến nền kinh tế, dù nhận được nhiều chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn không trụ nổi, phải giải thể hoặc tạm ngừng họat động.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2021, cả nước có tới 59.800 tạm ngừng hoạt động có thời hạn, tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể hoặc giải thể. Tính trung bình, mỗi ngày có tới 400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trên cơ sở kiến nghị của doanh nghiệp, dự báo tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trong nước và quốc tế, khả năng mở cửa biên giới của một số quốc gia và khu vực trên thế giới. Theo đó, Bộ KH&ĐT đề xuất nhóm chính sách về tái cơ cấu nợ vay và hỗ trợ lãi suất vay.
Cụ thể, Bộ KH&ĐT đề xuất ngân hàng nhà nước (NHNN) khẩn trương ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung nhằm cho phép việc cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020-2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021. Bộ cũng đề xuất NHNN chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp như giảm từ 3% đến 5% lãi suất cho vay; cơ cấu lại thời hạn trả nợ; giữ nguyên nhóm nợ; cho doanh nghiệp vay mới để bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hiện bộ KH&ĐT cũng đang đề xuất NHNN nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất khoảng 4% cho khoản vay tín dụng trong năm 2021-2023 để giúp các hãng hàng không tư nhân giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực hoạt động và phát triển. Bộ KH&ĐT kiến nghị NHNN mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp theo hướng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp bị tác động trực tiếp nặng nề bởi dịch bệnh như hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải được tiếp cận.
Ông Nguyễn Hoàng Dũng, chuyên gia kinh tế tại TP.HCM chia sẻ: Hiện nhiều nước trên thế giới đã dần mở cửa trở lại nền kinh tế nhờ tỷ lệ tiêm phòng vắc- xin Covid-19 cao. Trong đó, hơn 50% dân số Mỹ đã tiêm phòng Covid-19 mũi 1, kinh tế nước này được dự báo tăng trưởng 6% năm 2021. Liên minh châu Âu cũng dần mở cửa trở lại sản xuất kinh doanh, dịch vụ, du lịch. Vì thế việc hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiêm vắc xin là việc quan trọng và cấp bách lúc này.
6 tháng cuối năm 2021, trong điều kiện nhiều quốc gia mở rộng sản xuất, nhu cầu nguyên – nhiên vật liệu, phụ tùng đầu vào tăng lên, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng lợi. Nửa đầu năm 2021, tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam hơn 30%, đây là động lực cho 6 tháng cuối năm. Hoạt động xuất khẩu được đẩy mạnh hơn cũng tạo lực đẩy mạnh cho kinh tế tăng trưởng, phát triển. Vì thế, việc tiêm ngừa nhanh chóng cũng giúp các doanh nghiệp hạn chế dịch bệnh lây lan và tập trung vào sản xuất để hồi phục và tăng trưởng kinh tế.
Theo Nguyễn Ngọc/Chất lượng&cuộc sống