Categories Doanh nghiệp

Ngành dệt may nhiều triển vọng nhờ… “mây tạnh trời quang”

13/19 doanh nghiệp ngành dệt may niêm yết ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tích cực trong quý I/2021. VNDIRECT ước tính tổng doanh thu trong quý I/2021 của các công ty dệt may niêm yết đã giảm 7,6% so với cùng kỳ do giảm giá bán, tuy nhiên biên lợi nhuận gộp được cải thiện 1,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ và chi phí bán hàng giảm 12% so với cùng kỳ, do đó tổng lợi nhuận ròng tăng 38,2% so với cùng kỳ.

Triển vọng tích cực

Xuất khẩu dệt may của Việt Nam phục hồi nhờ nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh của Mỹ và EU, sau khi các nền kinh tế này kết thúc lệnh phong tỏa vì dịch Covid-19.

Theo Bộ Thương mại Hoa Kỳ, tăng trưởng GDP của Mỹ trong quý I/2021 đạt mức 6,4%, mức tăng tốt nhất kể từ năm 1984; trong khi tiêu dùng cá nhân tăng 10,7%, cao thứ hai kể từ năm 1960. Do đó, nhu cầu về mua sắm hàng hóa cá nhân trong quý I/2021 như quần áo và giày dép tăng lên đáng kể.

nganh det may nhieu trien vong nho may tanh troi quang
Nhiều cơ hội cho ngành dệt may trong năm 2021.

Văn phòng Dệt may Mỹ (OTEXA) cũng thống kê giá trị nhập khẩu dệt may của nước này đạt 24 tỷ USD (tăng 4,32% so với cùng kỳ).

Trong khi đó, Ủy ban Châu Âu (EC) cũng đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của EU cho năm 2021 và 2022 do sự phục hồi đáng kể của các nền kinh tế khu vực. Dự báo, tăng trưởng GDP trong khu vực Eurozone lần lượt đạt 4,3% và 4,4% cho năm 2021 và 2022.

Các triển vọng tích cực nói trên tạo kỳ vọng giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam trong năm 2021 sẽ phục hồi. Theo đó, giá trị xuất khẩu sẽ hoàn thành kế hoạch mà Chính phủ Việt Nam đề ra, đạt 39 tỷ USD trong năm nay.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng cho biết, tình hình chính trị bất ổn gần đây ở Myanmar sẽ là cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Theo Nikkei Asian Review, Fast Retailing – Công ty mẹ của Uniqlo – thông báo hai nhà máy của họ đã bị phóng hỏa vào ngày 14/3. Bất ổn sẽ khiến các nhà bán lẻ e ngại khi đặt hàng tại Myanmar và sẽ tìm các quốc gia thay thế trong giai đoạn tới, trong đó có Việt Nam.

“Khó khăn của ngành dệt may Myanmar sẽ là cơ hội để Việt Nam tăng thị phần tại thị trường EU, Nhật Bản và Hàn Quốc, khi Myanmar hiện đang là đối thủ cạnh tranh của Việt Nam tại ba thị trường này. Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến (VGG), CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG), CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) và CTCP May Sông Hồng (MSH) có thể là những doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất”, VNDIRECT nhận định.

Nhật Bản là thị trường xuất khẩu chính của VGG, chiếm 28% doanh thu xuất khẩu trong năm 2020 và khách hàng lớn nhất của VGG là Uniqlo, chiếm 80% doanh thu của VGG tại thị trường Nhật Bản. VNDIRECT kỳ vọng Uniqlo sẽ chuyển đơn hàng từ Myanmar sang Việt Nam, giúp VGG nâng tỷ trọng doanh thu từ thị trường Nhật Bản lên 35% trong năm 2021.

Bên cạnh đó, doanh thu từ thị trường Hàn Quốc chiếm khoảng 27% doanh thu của TCM trong năm 2019, trong khi TNG đã nhận một đơn đặt hàng từ Myanmar giá trị 11 triệu USD của Sportmaster.

Ngoài ra, EU cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của MSH (chiếm 30% doanh số xuất khẩu trong năm 2020).

Mới đây, hàng loạt thương hiệu thời trang quốc tế lớn như Nike, H&M, Uniqlo, Zara… cũng đã thông báo ngừng sử dụng bông từ Tân Cương (Trung Quốc) sau căng thẳng giữa Trung Quốc và một số nước EU. VNDIRECT cho rằng TCM sẽ được hưởng lợi từ việc nhiều nhà sản xuất phương Tây từ chối mua bông từ Trung Quốc khi họ có xu hướng chuyển sang mua vải tại Việt Nam.

Dệt may Việt Nam bước vào chu kỳ đầu tư mới

Mới đây, Công Cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) đã tái khởi động dự án Unitex, tăng gấp đôi công suất khi Đại hội cổ đông của STK đã thông qua phương án đầu tư dự án “Nhà máy sản xuất sợi tổng hợp Unitex” với chi phí đầu tư 120 triệu USD, trong đó 75 triệu USD cho giai đoạn 1 và 45 triệu USD cho giai đoạn 2.

Cụ thể, dự án Unitex sẽ tập trung vào lĩnh vực sợi tái chế và sợi chất lượng cao với tổng công suất 60.000 tấn/năm. Giai đoạn 1 với công suất 36.000 tấn được khởi công vào năm 2021 và dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2023. Giai đoạn 2 với công suất 24.000 tấn sẽ được thực hiện trong năm 2023-2025.

Khi 2 giai đoạn của dự án đi vào hoạt động, STK sẽ trở thành nhà sản xuất sợi lớn thứ hai tại Việt Nam với tổng công suất 120.000 tấn/năm.

Trong khi đó, Nhà máy Sông Hồng 10 dự kiến sẽ giúp MSH tăng 20% công suất. Sông Hồng 10 (SH10) được khởi công từ ngày 21/3/21 và dự kiến hoàn thành vào ngày 21/11/2021 với tổng vốn đầu tư là 600 tỷ đồng. SH10 sẽ tập trung sản xuất các đơn hàng FOB với công suất thiết kế là 70 triệu USD giá trị đơn hàng mỗi năm. MSH kỳ vọng SH10 sẽ đạt 50% công suất trong 2 tháng cuối năm 2021 và hoạt động hết công suất vào quý II/2022.

Các chuyên gia kinh tế kỳ vọng nhà máy SH10 sẽ tăng đóng góp của doanh thu mảng FOB vào tổng doanh thu, tăng 15 và 20% so với cùng kỳ vào năm 2022 và 2023, lần lượt chiếm 80% và 85% so với với mức 73,5% trong năm 2020.

TNG cũng xây dựng Khu công nghiệp Sơn Cẩm 1 với tổng diện tích 70 ha và TCM xây dựng nhà máy Vĩnh Long 2 với công suất 9 triệu sản phẩm/năm… để đón lõng các cơ hội đầu tư mới.

Tuy nhiên, theo VNDIREC, ngành Dệt may Việt Nam vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu. Mặc dù việc tiêm chủng vẫn đang diễn ra đúng tiến độ nhưng số ca nhiễm Covid-19 mới vẫn đang gia tăng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, việc bán phá giá đối với sợi Trung Quốc có thể tiếp tục xảy ra vào năm 2021 do căng thẳng giữa EU và Trung Quốc.

Ngoài ra, nhu cầu các sản phẩm dệt may trên thế giới phục hồi chậm hơn so với nguồn cung, dẫn đến áp lực cạnh tranh với các đối thủ lớn trong khu vực như Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ ngày càng tăng.

Tình trạng thiếu container rỗng và chi phí vận chuyển cao trong quý I/2021 cũng có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp có đơn hàng FOB và ODM.

Theo Dương Công Chiến/Thời báo Ngân hàng